1/ VN-Index là gì?

VN-Index là chỉ số chứng khoán được sử dụng để đo lường sự biến động của các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Chỉ số này phản ánh sự biến động tổng quan của toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam, được tính toán dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu có mặt trên sàn HOSE.

Cụ thể, VN-Index là chỉ số thể hiện xu hướng giá cổ phiếu hàng ngày bằng cách so sánh giá trị vốn hóa thị trường hiện tại với giá trị vốn hóa của thị trường tại thời điểm cơ sở. Ngày cơ sở được chọn là ngày 28/07/2000, khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức đi vào hoạt động, với giá trị cơ sở là 100 điểm.

Ví dụ: Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.283,87 điểm. Điều này có nghĩa là tổng giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên HOSE vào ngày 30/8/2024 đã tăng lên 12,8387 lần so với giá trị vốn hóa thị trường tại ngày cơ sở (28/07/2000).

Ý nghĩa VN-Index trong thị trường chứng khoán:

  • Chỉ báo thị trường: VN-Index cung cấp cái nhìn tổng quan về sự biến động của toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi chỉ số này tăng, nó cho thấy thị trường đang trong giai đoạn tăng trưởng; Ngược lại, khi chỉ số giảm, thị trường có thể đang suy giảm.
  • Đánh giá sức khỏe kinh tế: Sự biến động của VN-Index có mối liên hệ chặt chẽ với tình hình kinh tế Việt Nam. Khi VN-Index tăng mạnh thường đi kèm với sự tăng trưởng kinh tế; Ngược lại, khi VN-Index giảm, nền kinh tế có thể đang gặp khó khăn.
  • Thước đo hiệu suất đầu tư: Nhà đầu tư thường so sánh hiệu suất danh mục đầu tư của mình với VN-Index. Nếu danh mục đầu tư của họ tăng trưởng tốt hơn VN-Index, điều này có thể cho thấy họ đã có những quyết định đầu tư khôn ngoan.

Vai trò của VN-Index trong thị trường chứng khoán:

  • Công cụ đánh giá và ra quyết định: VN-Index là một công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá xu hướng thị trường và từ đó đưa ra các quyết định mua bán hợp lý. Chỉ số này giúp các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư quyết định xem nên gia tăng hay giảm bớt tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục của họ.
  • Cơ sở phát triển các sản phẩm tài chính: VN-Index được sử dụng làm cơ sở trong việc phát triển các sản phẩm tài chính mới, giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn và quản lý rủi ro hiệu quả hơn.

Chỉ số VN-Index

2/ Công thức tính VN-Index

VN-Index được tính toán dựa trên giá trị vốn hóa của từng cổ phiếu, trong đó các cổ phiếu có vốn hóa lớn hơn sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn đến chỉ số.

Công thức tính VN-Index như sau:

VN-Index = (Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết hiện tại / Tổng giá trị của các cổ phiếu niêm yết cơ sở) x 100

Chỉ số VN-Index được tính toán và cập nhật liên tục trong suốt thời gian giao dịch của thị trường chứng khoán. Sự thay đổi về giá cổ phiếu trong suốt phiên giao dịch sẽ làm cho giá trị của VN-Index thay đổi. Mỗi ngày, chỉ số này được so sánh với phiên giao dịch trước đó và được biểu diễn dưới dạng tỷ lệ phần trăm thay đổi.

Khi có sự thay đổi về cơ cấu số lượng cổ phiếu niêm yết, chẳng hạn như khi thêm hoặc bớt cổ phiếu, điều này có thể làm cho chỉ số VN-Index không liên tục. Để duy trì tính liên tục của chỉ số, cần phải điều chỉnh một số yếu tố trong công thức tính toán, như hệ số chia.

Theo Bộ quy tắc xây dựng và quản lý các chỉ số HOSE-Index phiên bản 3.0 của HOSE, ban hành vào ngày 09/11/2020 theo Quyết định 714/QĐ-SGDHCM, các chỉ số như VN-Index, VN30-Index, VNMidcap, VN100,... được tính toán dựa trên phương pháp giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float. Điều này đảm bảo rằng các chỉ số phản ánh chính xác tình hình thị trường.

Như vậy, công thức tính VN-Index thực tế như sau:

Chỉ số VN-Index = Giá trị vốn hoá thị trường hiện tại / Hệ số chia = CMV / Hệ số chia

Dựa vào công thức trên, ta thấy các thành phần cấu thành VN-Index gồm giá trị vốn hoá thị trường hiện tại (CMV) và hệ số chia. Tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào cách tính cụ thể của từng thành phần cấu thành chỉ số VN-Index kế trên.

Công thức tính giá trị vốn hoá thị trường hiện tại (CMV):

Giá trị vốn hoá thị trường hiện tại (CMV) = i=1n(pi x si x fi x ci)

Trong đó:

  • i: 1,2,3,… n
  • n: Số cổ phiếu trong rổ chỉ số
  • pi: Giá cổ phiếu i tại thời điểm tính toán
  • si: Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của cổ phiếu i tại thời điểm tính toán
  • fi: Tỷ lệ free-float làm tròn của cổ phiếu i trong rổ chỉ số tại thời điểm
  • ci: Tỷ lệ giới hạn tỷ trọng vốn hóa (chỉ tiêu này để tránh tình trạng một cổ phiếu đơn lẻ hay một nhóm cổ phiếu có liên quan chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn)

Công thức tính hệ số chia:

Trong trường hợp vốn hoá thị trường có sự tăng giảm giá trị nhưng không phải do biến động giá thị trường mà là vì sự thay đổi của doanh nghiệp phát hành (sự kiện cụ thể, thay đổi số lượng cổ phiếu thành phần,…) thì hệ số chia sẽ phải điều chỉnh theo nguyên tắc biến động chỉ số trước điều chỉnh bằng chỉ số sau điều chỉnh. 

Cụ thể, cách xác định hệ số chia trong công thức tính chỉ số VN-Index như sau:

CMV (sau)/Hệ số chia (sau) = CMV (trước)/Hệ số chia (trước)

Trong đó:

  • Hệ số chia (trước) và CMV (trước) là hệ số chia và giá trị vốn hóa trước khi điều chỉnh.
  • Hệ số chia (sau) và CMV (sau) là hệ số chia và giá trị vốn hóa sau khi điều chỉnh.

Thành phần cấu thành VN-Index gồm CMV và hệ số chia

Thành phần cấu thành VN-Index gồm CMV và hệ số chia

3/ Các chỉ số tác động tới VN-Index

Chỉ số GDP (Gross Domestic Product)

Chỉ số GDP là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, phản ánh trực tiếp vào khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Khi GDP tăng mạnh, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, kéo theo sự gia tăng của chỉ số VN-Index. Minh chứng rõ nét là năm 2017, với mức tăng trưởng GDP ấn tượng 6.8%, VN-Index đã đạt đỉnh trên 900 điểm, nhờ sự bùng nổ của ngành sản xuất và xuất khẩu.

Chỉ số lạm phát cơ bản

Lạm phát là nguyên nhân gốc rễ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán. Khi lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất để "hạ nhiệt" nền kinh tế. Lãi suất tăng như một "cái bẫy" kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, kéo theo sự sụt giảm của VN-Index. Năm 2011, chính sách tăng lãi suất mạnh đã khiến VN-Index mất hơn 130 điểm chỉ trong một thời gian ngắn.

Lãi suất ngân hàng

Lãi suất là công cụ chính sách tiền tệ quan trọng ảnh hưởng đến chi phí vay vốn của doanh nghiệp và quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Lãi suất cao thường khiến VN-Index giảm do dòng tiền bị hút vào các kênh đầu tư an toàn hơn như tiền gửi ngân hàng. Năm 2010, khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát, VN-Index giảm mạnh từ hơn 500 điểm xuống dưới 400 điểm, do chi phí vay vốn tăng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm.

Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là một trong những yếu tố quan trọng định hình xu hướng của thị trường chứng khoán. Khi đồng nội tệ mất giá, doanh nghiệp xuất khẩu thường có kết quả kinh doanh khả quan, kéo theo sự tăng trưởng của VN-Index. Ngược lại, khi đồng nội tệ mạnh lên, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, gây áp lực lên thị trường. Một minh chứng rõ nét nhất là vào năm 2015, khi đồng VND bị phá giá 5%, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may và thủy sản hưởng lợi, góp phần đẩy VN-Index tăng từ khoảng 550 điểm lên gần 640 điểm.

 

Chỉ số VN-Index chịu tác động từ tỷ giá hối đoái

Chỉ số VN-Index chịu tác động từ tỷ giá hối đoái

4/ Các yếu tố tác động tới chỉ số VN-Index

Tâm lý thị trường

Tâm lý nhà đầu tư thường bị ảnh hưởng bởi các tin tức, sự kiện bất ngờ, hoặc các dự đoán kinh tế trong tương lai. Những biến động này có thể gây ra các đợt bán tháo hoặc mua vào mạnh, làm VN-Index dao động lớn ngay cả khi các yếu tố cơ bản không thay đổi. Thời điểm đầu năm 2020, khi COVID-19 bắt đầu lan rộng, tâm lý hoảng loạn đã khiến VN-Index giảm sâu từ hơn 900 điểm xuống chỉ còn khoảng 660 điểm chỉ trong vài tuần do lo ngại về tác động của đại dịch lên nền kinh tế.

Hoạt động của các doanh nghiệp lớn

Hoạt động của doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các sự kiện như M&A, phát hành cổ phiếu mới, chia cổ tức hay công bố kết quả kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp đến VN-Index. Do chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số, biến động giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này, điển hình như Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC) và Vinamilk (VNM), có thể kéo theo sự biến động mạnh của VN-Index. Ví dụ, kết quả kinh doanh khả quan của Vinhomes vào giữa năm 2018 đã góp phần thúc đẩy VN-Index tăng trưởng vượt bậc từ 900 lên trên 1.000 điểm.

Chính sách của chính phủ

Chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ có mối quan hệ mật thiết với biến động của VN-Index. Các chính sách kích thích kinh tế như giảm thuế, tăng chi tiêu công thường tạo đà tăng trưởng cho thị trường, qua đó thúc đẩy VN-Index đi lên. Ngược lại, các biện pháp thắt chặt như tăng thuế, cắt giảm chi tiêu có thể gây áp lực giảm lên chỉ số. Cụ thể, các gói kích thích kinh tế thường tạo ra hiệu ứng tích cực, như trường hợp VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2020 sau khi Chính phủ triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán quốc tế

VN-Index không hoạt động độc lập mà chịu ảnh hưởng lớn từ biến động của các thị trường chứng khoán quốc tế, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Khi các thị trường này biến động, VN-Index thường có xu hướng biến động cùng chiều. Ví dụ, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ đã kéo theo VN-Index giảm sâu từ trên 900 điểm xuống gần 660 điểm chỉ trong thời gian ngắn.

VN-Index chịu ảnh hưởng lớn từ biến động của các thị trường chứng khoán quốc tế

VN-Index chịu ảnh hưởng lớn từ biến động của các thị trường chứng khoán quốc tế

5/ Cách đọc và hiểu chỉ báo VN-Index chuẩn xác

Biểu đồ VN-Index là công cụ không thể thiếu để nhà đầu tư nắm bắt diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên biểu đồ, trục ngang thể hiện thời gian, giúp chúng ta theo dõi sự biến động của VN-Index qua các khoảng thời gian khác nhau, từ ngắn hạn đến dài hạn. Trục dọc cho biết giá trị của chỉ số và khối lượng giao dịch. Đường biểu diễn màu xanh trên biểu đồ thể hiện rõ ràng và trực quan các biến động lên xuống của VN-Index.

Tùy thuộc vào mục tiêu, nhà đầu tư có thể chọn khung thời gian khác nhau trên biểu đồ VN-Index. Đối với nhà đầu tư dài hạn, nên chọn khung thời gian từ 1 đến 5 năm để nhìn nhận tổng quan về xu hướng thị trường và xây dựng chiến lược đầu tư bền vững. Ngược lại, nhà đầu tư ngắn hạn có thể chọn khung thời gian dưới 6 tháng để theo dõi những biến động ngắn hạn và cơ hội giao dịch.

Để phân tích VN-Index một cách toàn diện, nhà đầu tư có thể kết hợp sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như RSI. Chỉ báo RSI giúp đánh giá sức mạnh tương đối của thị trường, từ đó hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn. Ngoài ra, so sánh VN-Index với VN30 (chỉ số bao gồm 30 cổ phiếu lớn nhất) cũng là một cách hữu ích để xác nhận xu hướng chung của thị trường.

Biểu đồ kỹ thuật còn có cột nến đỏ và xanh, với nến xanh thể hiện giá tăng và nến đỏ thể hiện giá giảm; độ dài của nến cho thấy biên độ giao động giá trong khoảng thời gian đó. Ví dụ, nếu bạn quan sát biểu đồ VN-Index trong khoảng 5 năm, bạn sẽ thấy xu hướng chung là tăng từ mức 600 điểm lên trên 1.200 điểm, phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn. Trong khi đó, biểu đồ trong 3 tháng gần đây có thể cho thấy VN-Index có những đợt tăng giảm nhanh theo từng tuần, tạo cơ hội mua vào khi giá giảm và bán ra khi giá tăng trong ngắn hạn.

Biểu đồ VN-Index

Biểu đồ VN-Index

Bạn mới bắt đầu tìm hiểu về VN-Index và muốn thử sức với thị trường chứng khoán? Chứng Khoán CV trên MoMo chính là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn! Chỉ cần 2 phút, bạn đã có thể mở tài khoản chứng khoán hoàn toàn miễn phí và có thể thực hiện đầu tư ngay lập tức. Đặc biệt, ứng dụng còn cung cấp tính năng tự động tách lệnh lô chẵn, lô lẻ, giúp cho người dùng giúp bạn linh hoạt mua số lượng cổ phiếu theo nhu cầu mà không phải tự tính lô chẵn và lô lẻ hay phải tách lệnh. Ngoài ra, khả năng thực hiện các thao tác mua/bán chứng khoán và nạp/rút tiền nhanh chóng, dễ dàng sẽ giúp bạn có trải nghiệm đầu tư trọn vẹn nhất.

Chứng Khoán CV trên Ứng dụng MoMo
Chứng Khoán CV trên Ứng dụng MoMo