Bạn có biết, điểm tín dụng giống như một “báo cáo uy tín” về cách bạn quản lý tiền bạc. Đây là những con số có khả năng quyết định xem bạn có được duyệt vay vốn, mở thẻ tín dụng, hay thậm chí là đầu tư dễ dàng hay không. Điểm càng cao, cơ hội tài chính của bạn càng tốt, từ lãi suất thấp hơn cho đến việc được chấp nhận nhanh chóng. Trong bài viết dưới đây, MoMo sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về điểm tín dụng cũng như bí kíp để bạn có điểm tín dụng tốt nhé. 

1. Tìm hiểu về điểm tín dụng 

1.1 Điểm tín dụng là gì? 

Điểm tín dụng (hay còn có thể gọi là điểm tín dụng CIC): Là chỉ số từ các tổ chức tài chính dùng để đánh giá uy tín tài chính của bạn. Điểm tín dụng sẽ được đánh giá bởi Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (gọi tắt là CIC), đơn vị này trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước.  

Có thể nói, điểm tín dụng như một chiếc gương phản ánh cách bạn sử dụng và quản lý tiền bạc. Nếu bạn có điểm tín dụng tốt, thì sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống tài chính, từ việc vay mua nhà, mua xe đến mở thẻ tín dụng.

1.2 Điểm tín dụng hoạt động như thế nào?

Mỗi lần bạn thanh toán hóa đơn, trả nợ thẻ tín dụng, hoặc xử lý các khoản vay đúng hạn thì điểm tín dụng của bạn sẽ được cộng thêm một chút. Ngược lại, nếu bạn chậm trễ hoặc quên thanh toán các khoản vay, điểm tín dụng sẽ bị trừ đi. Chính vì thế, việc quản lý nợ và thanh toán hàng tháng rất quan trọng để giữ điểm tín dụng cao.

1.3 Điểm tín dụng được tính như thế nào?

Dựa trên các tiêu chí chuẩn được áp dụng rộng rãi bởi các tổ chức chấm điểm tín dụng như FICO và VantageScore - Hai hệ thống phổ biến nhất trong việc đánh giá điểm tín dụng cá nhân. Có 5 yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến điểm tín dụng của bạn, bạn có thể xem qua bảng sau

Biểu đồ các yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng 

Biểu đồ các yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng 

Nhìn vào biểu đồ này, bạn có thể thấy rõ lịch sử thanh toán và số dư nợ tín dụng chính là hai yếu tố "quyền lực" nhất, chiếm đến 65% trong việc quyết định điểm tín dụng của bạn. Vì vậy, MoMo khuyên bạn hãy luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn và duy trì tỷ lệ nợ dưới mức 30% hạn mức tín dụng. Chỉ cần chú ý hai yếu tố này, điểm tín dụng của bạn sẽ luôn trong "vùng an toàn" và thậm chí có thể cải thiện nhanh chóng!

2. Điểm tín dụng có thật sự quan trọng hay không? 

Điều này còn tùy vào mục tiêu tài chính của bạn, nhưng nếu điểm tín dụng của bạn tốt, bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Vậy điểm tín dụng bao nhiêu là tốt? Dưới đây là thang điểm tín dụng cùng những lợi ích bạn sẽ được nhận, để giúp bạn có góc nhìn trực quan hơn về câu hỏi này: 

  • 150 - 321 điểm: Rủi ro rất cao, không đủ điều kiện vay. 
  • 322 - 430 điểm: Rủi ro cao, không đủ điều kiện vay.
  • 431 - 569 điểm: Rủi ro trung bình, đủ điều kiện vay nhưng lãi suất tương đối cao.
  • 570 - 679 điểm: Rủi ro thấp, đủ điều kiện vay, lãi suất thấp và ưu đãi.
  • 680 - 750 điểm: Rủi ro rất thấp, đủ điều kiện vay, lãi suất thấp và ưu đãi và được phê duyệt hạn mức vay cao. 

Các bậc xếp hạng điểm đánh giá tín dụng

Hi vọng thông tin trên đã giải đáp cho bạn câu hỏi “điểm tín dụng trung bình có vay được không?”. Còn cụ thể hơn thì hãy để MoMo giúp bạn hiểu rõ về lý do vì sao điểm tín dụng lại quan trọng như thế nhé!

2.1 Điểm tín dụng ảnh hưởng đến việc vay vốn 

Khi điểm của bạn cao các ngân hàng sẽ ghi nhận bạn có khả năng trả nợ đúng hạn, nên họ sẵn sàng cho bạn vay với mức lãi suất ưu đãi, giúp bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền từ việc trả lãi hàng tháng. Chưa hết, nếu bạn có điểm tín dụng tốt thì quá trình xét duyệt vay sẽ suôn sẻ hơn nhiều. Có thể nói điểm tín dụng cao giúp bạn dễ dàng xoay vốn để mua xe, nhà, gia tăng tài sản cho bản thân. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cũng thường xem xét điểm tín dụng của bạn để đánh giá mức độ rủi ro, từ đó quyết định mức giá bảo hiểm mà bạn sẽ phải trả. Điểm tín dụng tốt có thể giúp bạn nhận được mức giá bảo hiểm thấp hơn, tiết kiệm chi phí lâu dài.

Ngược lại, nếu điểm tín dụng của bạn thấp, bạn có thể gặp khó khăn, hoặc thậm chí là bị từ chối.

2.2 Điểm tín dụng cung cấp quyền lợi khi sử dụng thẻ tín dụng

Một trong những lợi ích lớn nhất của điểm tín dụng tốt là bạn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Điều này mang lại cho bạn sự linh hoạt trong chi tiêu, đặc biệt khi bạn cần sử dụng thẻ tín dụng cho các khoản chi lớn. Điểm CIC cao còn giúp bạn dễ dàng nhận được nhiều ưu đãi từ ngân hàng khi mở thẻ tín dụng như chương trình hoàn tiền, điểm thưởng, và thậm chí là miễn phí các dịch vụ kèm theo. 

2.3 Xây dựng uy tín tài chính cá nhân

Khi bạn có hồ sơ tài chính tốt, bạn sẽ được coi là một khách hàng đáng tin cậy và các tổ chức tài chính sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn nhiều hơn để bạn tiếp cận được các cơ hội tài chính hấp dẫn. Từ đó, bạn sẽ sự tự tin đàm phán với các tổ chức tài chính, thương lượng được các điều khoản vay có lợi cho bản thân, như lãi suất thấp, điều kiện thanh toán linh hoạt...

3. Cách kiểm tra điểm tín dụng CIC 

Điểm tín dụng bao nhiêu thì vay được? Để trả lời cho câu hỏi này, đầu tiên bạn cần kiểm tra số điểm tín dụng của bản thân, sau đây là những cách kiểm tra qua bạn có thể tham khảo: 

3.1 Tra cứu điểm tín dụng CIC miễn phí trên website

  • Bước 1: Bạn vào trang web chính thức của CIC: https://cic.gov.vn 
  • Bước 2: Đăng ký tài khoản bằng cách nhấn “ Đăng ký”. 
  • Bước 3: Điền đầy đủ thông tin họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, ảnh chụp 2 mặt CCCD/CMND và ảnh chụp chân dung. 
  • Bước 4: Nhập mã OTP được gửi vào điện thoại bạn và chọn ”Đồng ý” với các điều khoản đăng ký. 
  • Bước 5: Hệ thống sẽ bắt đầu nhận thông tin của bạn và xác thực tài khoản, thời gian xác thực sẽ mất khoảng 2-3 ngày. 
  • Bước 6: Sau khi đã hoàn tất quá trình xác thực tài khoản, bạn đăng nhập bằng tên tài khoản và mật khẩu đã đăng ký. Sau đó tiến hành tra cứu nợ xấu bằng cách nhấp vào mục ”Khai thác báo cáo”. 

3.2 Tra cứu điểm tín dụng CIC miễn phí trên ứng dụng di động

  • Bước 1: Truy cập iOS Appstore hoặc CH Play để tải về ứng dụng iCIC 
  • Bước 2: Đăng ký tài khoản bằng cách nhập đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.  
  • Bước 3: Nhập mã xác thực OTP được gửi về số điện thoại đăng ký 
  • Bước 4: Cho phép truy cập địa chỉ trên máy. Sau bước này, bạn chỉ cần ngồi chờ đợi hệ thống thông báo tài khoản đã được xác thực. Thông thường, thời gian xác thực sẽ mất khoảng 2-3 ngày. 

Sau khi hoàn tất quá trình xác thực tài khoản, bạn đã có thể bắt đầu thực hiện tra cứu CIC miễn phí trên ứng dụng như sau: 

  • Bước 1: Chọn Khai thác báo cáo. 
  • Bước 2: Xác thực bằng Mật khẩu/Dấu vân tay/Face ID đã đăng ký 
  • Bước 3: Mua báo cáo tín dụng 
  • Bước 4: Nhập mã xác thực OTP 
  • Bước 5: Xem báo cáo tín dụng 

Bạn lưu ý, việc tra cứu CIC cá nhân sẽ được miễn phí 1 lần/năm. Từ lần tra cứu thứ hai, bạn phải bỏ tiền để mua báo cáo tín dụng. 

3.3 Kiểm tra qua ngân hàng

Bạn cũng có thể ra ngân hàng để thực hiện kiểm tra điểm tín dụng, các bước sẽ như sau: 

  • Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký tài khoản vay tại ngân hàng và yêu cầu kiểm tra nợ xấu cá nhân.
  • Bước 2: Cung cấp thông tin cá nhân bao gồm CMND/CCCD.
  • Bước 3: Sau khi ngân hàng hoàn tất việc kiểm tra thông tin và truy xuất dữ liệu, bạn sẽ nhận được kết quả CIC từ ngân hàng.

Bạn lưu ý sẽ phải trả một mức phí cho mỗi lần tra cứu điểm tín dụng CIC tùy thuộc vào từng ngân hàng.

Cách kiểm tra điểm tín dụng CIC 

4. Xác định nhóm nợ qua điểm tín dụng

Dựa vào điểm tín dụng, tổ chức tài chính có thể xác định được nhóm nợ như sau:

  • Nhóm 1: Nợ tiêu chuẩn. Đây là những khoản nợ mà CIC đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn. Nếu bạn trả nợ trễ từ 1-10 ngày vẫn thuộc nhóm này, nhưng bạn sẽ bị tính lãi phạt thêm.
  • Nhóm 2: Nợ cần chú ý. Đây là nhóm dành cho những khoản nợ trễ từ 10 - 30 ngày hoặc các khoản nợ đã được gia hạn trả lần đầu.
  • Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn. Nếu bạn thanh toán nợ trễ từ 30 - 90 ngày hoặc đã được gia hạn nhưng vẫn trả trễ dưới 30 ngày, hoặc được giảm/miễn lãi do không có khả năng trả đúng hạn, bạn sẽ rơi vào nhóm này.
  • Nhóm 4: Nợ nghi ngờ mất vốn. Nhóm này bao gồm các khoản nợ trễ từ 90 - 180 ngày hoặc đã được gia hạn nhưng vẫn trả trễ từ 30 - 90 ngày. Những khoản nợ đã được gia hạn lần thứ hai cũng sẽ thuộc nhóm này.
  • Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn. Đây là nhóm dành cho những người nợ trễ trên 180 ngày hoặc sau khi gia hạn lần đầu vẫn trả trễ trên 90 ngày. Những khoản nợ đã được gia hạn lần thứ ba trở lên, dù chưa quá hạn, cũng sẽ được xếp vào nhóm này.

Nợ xấu trên CIC cực kỳ quan trọng, nó ảnh hưởng lớn đến uy tín tài chính và khả năng vay vốn sau này của bạn. Vì vậy, trước khi vay, bạn nên kiểm tra kỹ lịch sử tín dụng cá nhân và thanh toán hết các khoản nợ hoặc phí phạt còn tồn đọng để tránh rơi vào các nhóm nợ xấu.

5. Cách tăng điểm tín dụng?

MoMo biết rằng giữ điểm tín dụng tốt không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng bạn đừng lo! Chỉ cần tuân thủ một vài nguyên tắc cơ bản, bạn có thể cải thiện điểm tín dụng của mình một cách hiệu quả. Hãy cùng MoMo xem những cách làm sao để tăng điểm tín dụng nhé!

5.1 Thanh toán đúng hạn

Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất: luôn thanh toán đúng hạn. Điều này không chỉ giúp bạn tránh phí phạt mà còn đóng vai trò cực kỳ lớn trong việc bảo vệ điểm tín dụng của bạn. MoMo khuyên bạn nên đặt lịch nhắc thanh toán, hoặc thiết lập thanh toán tự động để tránh bất kỳ lần thanh toán trễ nào nhé. Chỉ một lần chậm thanh toán cũng có thể gây thiệt hại lớn cho điểm tín dụng của bạn.

5.2 Giảm tỷ lệ sử dụng tín dụng

Tỷ lệ sử dụng tín dụng dưới 30% sẽ là lý tưởng để duy trì điểm tín dụng tốt. Nếu bạn đang dùng quá nhiều hạn mức tín dụng, hãy cố gắng thanh toán bớt nợ để giảm tỷ lệ này để cải thiện điểm tín dụng của bạn nhanh chóng. Bạn có thể cân nhắc việc trả nợ hàng tháng nhiều hơn số tiền tối thiểu yêu cầu để giảm số dư nhanh hơn nhé!

5.3 Tránh mở quá nhiều tài khoản mới

Việc mở nhiều thẻ tín dụng mới trong thời gian ngắn có thể ảnh hưởng xấu đến điểm tín dụng của bạn. Mỗi lần mở thẻ mới, các tổ chức tài chính sẽ tra cứu điểm tín dụng của bạn, điều này có thể khiến điểm của bạn tạm thời giảm xuống. Hoặc nếu bạn quên đóng khoản phí hằng năm cho thẻ tín dụng cũng trở thành nợ xấu, ảnh hưởng đến điểm CIC của bạn. MoMo khuyên bạn chỉ nên mở thẻ tín dụng mới khi thực sự cần thiết và không nên lạm dụng việc mở nhiều tài khoản cùng lúc để tránh bị ảnh hưởng.

5.4 Trả khoản vay đúng hạn 

Khi bạn có các khoản vay như vay mua nhà, xe, hoặc tiêu dùng, hãy đảm bảo bạn trả đúng hạn hàng tháng. Điều này không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng tài chính mà còn góp phần lớn vào việc cải thiện điểm tín dụng. Đừng quên rằng bất kỳ khoản nợ nào bị trễ hạn đều có thể làm tổn hại đến hồ sơ tín dụng của bạn trong nhiều năm liền.

5.5 Nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo ảnh hưởng đến điểm tín dụng CIC

Thời đại công nghệ số hiện nay khiến việc lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp hơn. Hãy luôn cảnh giác với những hành vi lừa đảo, như các email hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân. Những vụ lừa đảo này có thể làm ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của bạn tại CIC. Vì thế hãy thường xuyên kiểm tra báo cáo tín dụng để đảm bảo không có các khoản vay, giao dịch bất thường nào nhé.

5.6 Có kế hoạch tài chính thông minh

Cuối cùng, hãy thiết lập cho mình một kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng và thông minh. Điều này sẽ giúp bạn quản lý tốt các khoản thu, chi và nợ của mình, đảm bảo bạn luôn có đủ nguồn lực để thanh toán các nợ đúng hạn. Một kế hoạch rõ ràng sẽ giúp bạn kiểm soát tài chính tốt hơn, tránh tình trạng nợ quá nhiều, qua đó cải thiện điểm tín dụng của bạn.

Kết luận

Điểm tín dụng không chỉ là một con số đơn thuần, mà còn phản ánh uy tín và khả năng quản lý tài chính của bạn. Một điểm tín dụng tốt sẽ mở ra nhiều cơ hội quan trọng và quản lý điểm tín dụng là một hành trình dài hạn và đòi hỏi sự kiên nhẫn. MoMo khuyên bạn hãy bắt đầu bằng việc thanh toán đúng hạn, giữ tỷ lệ sử dụng tín dụng thấp, và xây dựng lịch sử tín dụng vững chắc. Chỉ cần những bước nhỏ nhưng đều đặn, bạn sẽ sớm thấy điểm tín dụng của mình cải thiện và mở ra nhiều cơ hội tài chính hơn trong tương lai và không phải lo lắng làm thế nào để tăng điểm tín dụng!

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.