Gửi tiết kiệm là gì? Những vấn đề xoay quanh gửi tiết kiệm bạn cần biết
Gửi tiết kiệm luôn là một cách dễ dàng và an toàn để bạn bắt đầu hành trình quản lý tài chính. Nhưng liệu bạn đã biết lãi suất hiện nay như thế nào và có những loại gửi tiết kiệm nào phù hợp nhất cho mình chưa? Đừng lo, MoMo sẽ cùng bạn khám phá các hình thức gửi tiết kiệm siêu tiện lợi, lãi suất hấp dẫn và mẹo nhỏ giúp tối ưu hóa tiền nhàn rỗi nhé!
Trước khi gửi tiết kiệm bạn cần nắm rõ một vài yếu tố sau để tối ưu hóa khoản sinh lời nhận được nhé, bao gồm: các hình thức gửi tiết kiệm, thời hạn gửi tiết kiệm, ngân hàng uy tín có lãi suất cao... Theo dõi bài viết bên dưới để nắm rõ thông tin bạn nhé.
1. Gửi tiết kiệm là gì?
Gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư tài chính an toàn và ổn định. Khi bạn gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng sẽ trả cho bạn một khoản lãi suất nhất định dựa trên số tiền và thời gian gửi. Đây là cách bạn vừa giữ an toàn cho số tiền của mình, vừa đảm bảo nó có thể sinh lời theo thời gian.
Gửi tiết kiệm đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn tài chính cá nhân trong bối cảnh hiện nay. Cuộc sống ngày càng biến động, khi có một khoản tiền dự trữ an toàn và sinh lời sẽ giúp bạn an tâm hơn trước rủi ro trong cuộc sống cũng như chủ động hoàn thiện được những mục tiêu tài chính đặt ra.
Ngoài ra, với lãi suất gửi tiết kiệm ngày càng cạnh tranh, việc lựa chọn ngân hàng có lãi suất tốt cũng giúp bạn tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi.
2. Những thuật ngữ cần biết khi gửi tiết kiệm
Dưới đây là một vài thuật ngữ quan trọng bạn nên biết trước khi gửi tiết kiệm để hiểu rõ hơn về các dịch vụ và tối ưu lợi ích từ khoản tiết kiệm của mình:
- Lãi suất (Interest Rate): Đây là tỷ lệ phần trăm mà ngân hàng trả cho bạn dựa trên số tiền gửi. Lãi suất thường được tính theo năm (%/năm) và quyết định lợi nhuận bạn nhận được từ khoản tiền tiết kiệm.
- Kỳ hạn (Term): Thời gian bạn gửi tiền trong tài khoản tiết kiệm. Các kỳ hạn phổ biến gồm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc dài hơn. Kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao.
- Tiền lãi (Interest): Số tiền mà bạn nhận được từ ngân hàng sau khi hết kỳ hạn gửi. Tiền lãi được tính dựa trên lãi suất và số tiền gốc bạn gửi.
- Tái tục (Renewal): Sau khi hết kỳ hạn, ngân hàng sẽ tự động tái tục (gia hạn) khoản tiết kiệm của bạn với kỳ hạn và lãi suất mới nếu bạn không rút tiền hoặc thay đổi kỳ hạn.
- Rút trước hạn (Early Withdrawal): Hành động rút tiền trước khi kỳ hạn kết thúc. Khi rút trước hạn, lãi suất bạn nhận được thường rất thấp hoặc bằng lãi suất không kỳ hạn.
3. Các hình thức gửi tiết kiệm
Gửi tiết kiệm lãi suất bao nhiêu còn phụ thuộc vào các hình thức gửi và ngân hàng. Hiện nay gửi tiết kiệm tại ngân hàng bao gồm nhiều hình thức, mỗi hình thức lại có cách tính lãi khác nhau.
3.1 Gửi tiết kiệm không kỳ hạn
Đối với hình thức này, khách hàng có thể thực hiện rút tiền linh hoạt bất cứ khi nào cần đến. Tuy nhiên điểm yếu của hình thức này là mức lãi suất khá thấp, thông thường chỉ dưới 1%/năm.
Công thức tính như sau: Tiền lãi = số tiền gửi x lãi suất (%) x số ngày gửi/365
- Ví dụ: Bạn gửi 50 triệu VND với lãi suất 0,1%/năm (lãi suất không kỳ hạn) trong 60 ngày.
- Như vậy: Tiền lãi = 50.000.000 x 0,1% x 60/365 = 8.219 VND
- Với số tiền gửi 50 triệu VND trong 60 ngày với lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm, bạn sẽ nhận được 8.219 VND tiền lãi.
3.2. Gửi tiết kiệm có kỳ hạn
Đây là hình thức gửi tiền trong một khoảng thời gian cố định, ví dụ 3 tháng, 6 tháng, hoặc 12 tháng. Trong suốt thời gian này, nếu rút tiền, bạn sẽ bị mất lãi. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất là lãi suất của hình thức này thường cao hơn so với các loại khác. Nếu bạn có khoản tiền không cần sử dụng ngay, đây là lựa chọn rất tốt.
Công thức tính: Tiền lãi = số tiền gửi x lãi suất (%) x thời gian gửi
- Ví dụ: Bạn gửi 100 triệu VND trong 6 tháng với lãi suất 6%/năm.
- Thời gian gửi = 6 tháng = 0,5 năm.
- Như vậy: Tiền lãi = 100.000.000 x 6% x 0,5 = 3.000.000 VND
- Sau 6 tháng, tiền lãi mà bạn nhận được là 3 triệu đồng.
3.3. Gửi tiết kiệm bậc thang
Với phương thức tiết kiệm bậc thang, bạn sẽ được hưởng mức gửi tiết kiệm lãi suất cao hơn khi gửi số tiền lớn hơn, cả khi với cùng một kỳ hạn gửi. Khác với các hình thức gửi tiết kiệm thông thường, chỉ áp dụng một mức lãi suất cố định cho mỗi kỳ hạn, thì gửi tiết kiệm bậc thang cho phép bạn hưởng nhiều mức lãi suất khác nhau tương ứng với số tiền bạn gửi. Do vậy số tiền gửi càng lớn, mức lãi suất bạn nhận về càng cao.
Công thức để tính lãi của hình thức này sẽ là: Tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất tại thời điểm gửi x Kỳ hạn gửi.
- Ví dụ: Bạn gửi 200 triệu VND trong 12 tháng theo hình thức gửi tiết kiệm bậc thang, lãi suất phụ thuộc vào mức tiền gửi.
- Mức %: Từ 100 triệu đến 300 triệu: Lãi suất 7%/năm.
- Như vậy: Tiền lãi = 200.000.000 x 7% x 1 = 14.000.000 VND
- Sau 1 năm tiền lãi mà bạn nhận được là 14 triệu đồng.
3.4. Tiết kiệm tích lũy (Hay tiết kiệm gửi góp)
Gửi tiết kiệm tích lũy là giải pháp tiết kiệm có kỳ hạn của ngân hàng, cho phép người dùng có thể chủ động gửi thêm vào tài khoản tiết kiệm (không giới hạn số lần gửi và số tiền gửi tích lũy), lãi được tính dựa theo số dư cuối ngày. Do đó, khi chủ tài khoản gửi thêm tiền thì phần lãi sinh ra sẽ lớn dần do phần gốc tăng lên.
Như vậy làm sao để phân biệt hình thức này với hình thức gửi tiết kiệm thông thường? Bạn theo dõi bảng sau nhé:
Tiêu chí |
Gửi góp hàng tháng |
Gửi tiết kiệm thông thường |
Số tiền tối thiểu |
1.000.000 VND |
Tùy thuộc vào hình thức có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn |
Số lần gửi |
Có thể gửi nhiều lần, không giới hạn về số lần trong suốt kỳ hạn gửi |
Chỉ 1 lần duy nhất |
Kỳ hạn |
Linh hoạt, từ vài tuần đến vài năm |
1, 2, 3, 6, 9, 12, 24… tháng |
Lãi suất |
Có thể là lãi suất thả nổi hoặc cố định tùy theo chính sách của ngân hàng. |
Không thay đổi trong suốt kỳ hạn gửi |
Ví dụ: Giả sử bạn gửi tiết kiệm tích lũy với các thông tin như sau:
- Số tiền nộp mỗi tháng: 5 triệu đồng
- Lãi suất: 6%/năm (lãi suất cố định)
- Thời hạn gửi: 12 tháng
- Kỳ hạn trả lãi: Cuối kỳ
Cách tính lãi như sau: Lãi = (Số tiền gửi từng kỳ × Lãi suất năm/12) × (Số tháng tiền đó được gửi)
Mỗi tháng bạn sẽ nộp 5 triệu đồng vào tài khoản, và lãi suất sẽ được tính theo số ngày mà khoản tiền đó nằm trong tài khoản tiết kiệm.
Tính lãi theo từng tháng:
- Tháng 1: Số tiền gửi là 5 triệu, gửi đủ 12 tháng.
Lãi tháng 1 = (5.000.000 × 6%)/12 × 12 = 300.000 đồng
- Tháng 2: Số tiền gửi là 5 triệu, gửi đủ 11 tháng.
Lãi tháng 2 = (5.00.000 × 6%)/12 × 11 = 275.000 đồng
- Tháng 3: Số tiền gửi là 5 triệu, gửi đủ 10 tháng.
Lãi tháng 3 = (5.000.000 × 6%)/12 × 10 = 250.000 đồng
...
- Tháng 12: Số tiền gửi là 5 triệu, gửi đủ 1 tháng.
Lãi tháng 12 = (5.000.000 × 6%)/12 × 1 = 25.000 đồng
- Tổng lãi sau 12 tháng:
Tổng lãi = 300.000 + 275.000 + 250.000 + ... + 25.000 = 1.950.000 đồng
Như vậy: Tổng lãi bạn nhận được sau 12 tháng là 1.950.000 đồng, cộng với số tiền gốc là 60 triệu đồng (5 triệu × 12 tháng), tổng cộng bạn sẽ có 61.950.000 đồng.
3.5 Tiết kiệm lãi trả trước
Đây là hình thức gửi tiết kiệm mà bạn sẽ nhận được tiền lãi ngay khi mở tài khoản tiết kiệm để dùng trước. Hình thức này rất thích hợp nếu như bạn đang cần một khoản tiền để dùng và cũng muốn gửi tiết kiệm. Nếu như bạn tất toán khoản gửi tiết kiệm trước kỳ hạn, bạn vẫn sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn cho số ngày gửi thực tế. Khoản tiền lãi mà bạn nhận từ ngân hàng sẽ được trừ vào khoản tiền gốc.
2 công thức tính cho hình thức gửi tiết kiệm này bạn có thể tham khảo:
Công thức 1: Số tiền lãi = lãi suất(% năm)/12 x số tháng gửi x số tiền gửi
Công thức 2: Số tiền lãi = lãi suất (% năm)/365 x số ngày gửi thực của kỳ hạn x số tiền gửi
- Ví dụ: Bạn gửi 100 triệu VND với mức lãi suất tại thời điểm đó là 7%/năm trong vòng 12 tháng thì số tiền lãi sẽ được tính như sau:
- Công thức 1: 7%/12 x 12 x 100.000.000 = 7.000.000 VND
- Công thức 2: 7%/365 x 365 x 100.000.000 = 7.000.000 VND
Chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm thích hợp nhằm sinh lời phù hợp với mục tiêu đặt ra.
4. Lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay
Vào tháng 9/2024, mức lãi suất gửi tiết kiệm ghi nhận được tại các ngân hàng rơi vào khoảng cao nhất là ngân hàng Oceanbank với 6,10% (tại quầy) và 6,10% (online) và thấp nhất là ngân hàng SCB với 3,90% (tại quầy) và 3,60% (online).
- Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn gửi 1 tháng cao nhất hiện nay: Đông Á và VRB (tại quầy) với 3,80%, CBBank, Eximbank, OceanBank, VietBank (online) với 3,80%.
- Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn 3 tháng cao nhất hiện nay: OceanBank (tại quầy) với 4,20%, Eximbank (online) với 4,3%.
- Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn 6 tháng cao nhất: CBBank (tại quầy) với 5,40%, CBBank (online) với 5,55%, không thay đổi so với tuần trước.
- Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn 9 tháng cao nhất: Đông Á (tại quầy) với 5,50%, đồng hạng CBBank, BVBank (online) với 5,50%.
- Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn 12 tháng cao nhất: Timo by BVBank, Đông Á (tại quầy) với 5,80% và Timo by BVBank, BVBank (online) với 5,80%.
- Lãi suất ngân hàng có kỳ hạn 24 tháng cao nhất: OceanBank (tại quầy) với 6,10% và OceanBank (online) với 6,10%.
* Lưu ý: Thông tin trên được tổng hợp từ các website ngân hàng.
5. Bao nhiêu tiền thì có thể gửi tiết kiệm?
Hiện tại các ngân hàng tại Việt Nam thường quy định số tiền tối thiểu để mở một tài khoản tiết kiệm từ 100.000 VND đến 1.000.000 VND.
Ngân hàng |
Mức gửi tiết kiệm tối thiểu (VND) |
Techcombank |
100.000 |
Vietcombank |
Không giới hạn |
BIDV |
100.000 |
Agribank |
100.000 |
VietinBank |
100.000 |
Bảng: Thông tin số tiền tối thiểu để mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm.
* Lưu ý: Số tiền gửi tiết kiệm tối đa là bao nhiêu sẽ thay đổi tùy theo chính sách của ngân hàng trong từng thời kỳ khác nhau.
Tùy thuộc vào mục đích như mua nhà, mua xe, đi học… mà bạn chọn mức gửi tiết kiệm ban đầu cho phù hợp nhé.
6. So sánh giữa gửi tiết kiệm và các hình thức đầu tư khác
Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên gửi tiết kiệm hay đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, hoặc mua vàng, Trợ thủ tài chính MoMo và bạn sẽ cùng so sánh nhanh một chút:
- Gửi tiết kiệm vs. Đầu tư chứng khoán: Gửi tiết kiệm có lãi suất ổn định và không rủi ro, trong khi chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng cũng đi kèm với rủi ro lớn.
- Gửi tiết kiệm vs. Mua vàng: Vàng thường biến động theo giá thị trường, có lúc lên, có lúc xuống, trong khi gửi tiết kiệm giúp bạn an tâm với mức lãi suất ổn định.
- Gửi tiết kiệm vs. Bất động sản: Bất động sản cần số vốn lớn và rủi ro về tính thanh khoản, trong khi gửi tiết kiệm không đòi hỏi số tiền quá lớn và dễ dàng rút khi cần.
7. Bí quyết gửi tiết kiệm sinh lời tối đa
4 bí quyết sau, nhưng sự tóm tắt lại những lưu ý mà bạn cần nhớ khi chuẩn bị mở một khoản tiền gửi tiết kiệm đấy.
7.1 Chọn ngân hàng có uy tín và lãi suất cao
Khi quyết định gửi tiết kiệm, hãy ưu tiên lựa chọn những ngân hàng lớn, có uy tín và đang cung cấp mức lãi suất hấp dẫn. Mặc dù lãi suất giữa các ngân hàng thường không có sự chênh lệch lớn, nhưng bạn nên khảo sát kỹ để chọn được nơi gửi có lợi nhất cho khoản tiền của mình.
7.2 Gửi tiết kiệm trực tuyến để nhận lãi suất tốt hơn
Nhiều ngân hàng hiện nay cung cấp lãi suất cao hơn cho hình thức gửi tiết kiệm online, thường chênh lệch khoảng 0,1 - 0,5%/năm so với giao dịch tại quầy. Gửi tiết kiệm online còn tiện lợi khi bạn có thể thực hiện giao dịch ngay trên ứng dụng ngân hàng mà không cần đến trực tiếp chi nhánh.
7.3 Chọn kỳ hạn gửi phù hợp
Các gói tiết kiệm thường chia thành kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) và kỳ hạn trung, dài hạn (trên 6 tháng). Lựa chọn kỳ hạn dài thường giúp bạn nhận lãi suất cao hơn, thường dao động từ 4 - 6,1%/năm tùy theo chính sách từng ngân hàng.
7.4 Phân chia tiền gửi thành nhiều sổ tiết kiệm
Để giảm thiểu rủi ro mất lãi khi cần rút tiền trước hạn, bạn nên chia khoản tiền thành nhiều sổ tiết kiệm khác nhau. Điều này giúp bạn rút chỉ một phần khi cần thiết, trong khi các sổ còn lại vẫn tiếp tục nhận lãi theo cam kết ban đầu.
Kết luận
Gửi tiết kiệm là một lựa chọn tài chính an toàn và phù hợp với những ai muốn tích lũy lâu dài. MoMo và bạn đã cùng nhau khám phá các hình thức gửi tiết kiệm, lãi suất hiện tại, và mẹo để tối ưu hóa khoản tiền nhàn rỗi. Hãy chọn một khoản gửi tiết kiệm phù hợp với bản thân và thực hiện ngay bạn nhé.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.