“Điểm mặt” các khoản chi có thể cắt giảm giúp chi tiêu tiết kiệm hơn!
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường xuyên bị cuốn vào những lần mua sắm, hoạt động giải trí không cần thiết để rồi khiến cho việc tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Vì lý do đó, việc nắm rõ và điều chỉnh chi tiêu là vô cùng quan trọng. Bài viết sau sẽ chỉ ra những khoản tiền có thể cắt giảm, giúp bạn nhanh chóng kiểm soát tài chính và đạt được mục tiêu tiết kiệm hiệu quả.
Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao tiền lương vừa nhận mà đã bay đi mất chỉ sau vài ngày? Thực ra, Trợ thủ tài chính MoMo rất hiểu cảm giác của bạn, đôi khi chúng ta chi tiêu mà không nhận ra những khoản nhỏ nhặt lại cộng dồn thành con số lớn. Nhưng đừng lo, MoMo ở đây để giúp bạn nhận ra những khoản chi có thể cắt giảm mà không làm cuộc sống mất đi niềm vui. Bằng cách này, bạn sẽ vừa tiết kiệm được tiền vừa quản lý tài chính một cách nhẹ nhàng hơn. Hãy cùng MoMo tìm hiểu xem bạn có thể bắt đầu từ đâu để chi tiêu thông minh hơn nhé!
1. Tìm hiểu cách chi tiêu tiết kiệm để quản lý tiền hiệu quả
Khi nghĩ đến việc tiết kiệm, nhiều người thường cảm thấy sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn, từ bỏ những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Nhưng thực ra, điều quan trọng không phải là từ bỏ mà là biết cách kiểm soát và chi tiêu tiết kiệm hợp lý. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn tiết kiệm hiệu quả, từ đó bạn có thể dễ dàng cắt giảm một số chi phí mà vẫn đảm bảo có cuộc sống thoải mái.
1.1 Biết cách kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm
Việc đầu tiên và quan trọng nhất để tiết kiệm là hiểu rõ cách kiểm soát chi tiêu của bản thân. Để làm điều này, bạn cần phải biết mình đang tiêu tiền vào đâu từ đó có thể cắt giảm các khoản không cần thiết. Dưới đây là một số bước cụ thể:
- Theo dõi chi tiêu hàng ngày: Bạn có thể sử dụng ứng dụng quản lý tài chính hoặc tự ghi chép các khoản thu-chi qua sổ tay. Điều này giúp bạn cân đối và tìm ra được các khoản chi không cần thiết, từ đó dễ dàng cắt giảm để tiết kiệm hơn cho sau này.
- Phân loại chi tiêu: Để việc cắt giảm chi tiêu của bạn không bị ảnh hưởng đến cuộc sống thì bạn nên phân loại chi tiêu ra làm hai loại: Chi tiêu thiết yếu (tiền nhà, tiền ăn, điện nước) và chi tiêu không thiết yếu (mua sắm, giải trí). Từ đó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra các khoản nào có thể điều chỉnh để tiết kiệm.
- Đặt mục tiêu tiết kiệm: Khi bạn có mục tiêu rõ ràng, việc tiết kiệm sẽ trở nên dễ dàng và có động lực hơn.
1.2 Lập bảng để biết cách quản lý chi tiêu
Để cắt giảm hiệu quả, việc lập bảng chi tiêu chi tiết là vô cùng cần thiết. Sau đây là các bước để bạn lập bảng đơn giản:
- Đưa ra các khoản chi cố định: Đây là những khoản chi không thể thiếu trong cuộc sống hàng tháng như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống cơ bản. Khi đã có danh sách rõ ràng, bạn sẽ biết chính xác số tiền cố định cần phải chi trả và không được sử dụng lạm vào những khoản đó.
- Dự trù cho những khoản không cố định: Sau khi đã liệt kê ra những khoản chi bắt buộc mỗi tháng, tiếp theo bạn hãy giới hạn số tiền bạn có thể chi cho việc giải trí, mua sắm… Ví dụ: Bạn giới hạn chi tiêu cho việc ăn ngoài/mua sắm không vượt quá 1 triệu đồng mỗi tháng.
- So sánh chi tiêu thực tế với kế hoạch: Cuối mỗi tháng, hãy so sánh giữa kế hoạch chi tiêu và thực tế chi tiêu để đánh giá hiệu quả. Nếu bạn chi tiêu vượt quá dự tính, hãy điều chỉnh kế hoạch cho tháng tiếp theo hoặc xem xét các khoản nào có thể cắt giảm thêm.
2. Phân loại các khoản chi tiêu
Như thông tin đã đề cập ở trên, trước khi bạn quyết định cắt giảm chi tiêu thì bạn cần biết được đâu là những khoản chi cần thiết và đâu là những khoản có thể điều chỉnh để tiết kiệm. Dưới đây là cụ thể ba loại chi tiêu chính mà MoMo khuyến khích bạn nên phân loại rõ ràng.
2.1 Chi tiêu thiết yếu
Đây là những khoản mà bạn không thể bỏ, vì chúng đảm bảo cho nhu cầu sống cơ bản hàng ngày. Bao gồm:
- Tiền nhà: Đây là khoản chi lớn và thường không thay đổi mỗi tháng. Nếu bạn không phải thuê nhà thì có thể tính các chi phí cố định khác như: Phí quản lý, chi phí hỗ trợ bố mẹ…
- Tiền sinh hoạt: Bao gồm chi phí cho thực phẩm hàng ngày, tiền chợ hay các sản phẩm thiết yêu cho bản thân mà tháng nào bạn cũng cần.
- Hóa đơn: Tiền điện, nước, internet, tiền xăng, tiền học… Những chi phí cố định cần thiết để duy trì cuộc sống của bạn.
2.2 Chi tiêu không thiết yếu
Tiếp theo, bạn liệt kê những khoản chi bạn có thể điều chỉnh hoặc cắt giảm mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống:
- Giải trí và mua sắm cá nhân: Như tiền xem phim, đi chơi, mua sắm quần áo. Đây là những khoản chi dễ bị lạm phát nếu không kiểm soát tốt.
- Dịch vụ đăng ký hàng tháng: Các gói dịch vụ như phòng gym, ứng dụng nghe nhạc, xem phim. Bạn có thể xem xét lại và hủy bỏ nếu không sử dụng thường xuyên.
- Đi chơi, ăn uống nhà hàng: Thay vì thường xuyên ăn ngoài, bạn có thể giảm tần suất và tự chuẩn bị bữa ăn tại nhà để tiết kiệm.
2.3 Dự trù cho những việc gấp
Mỗi tháng bạn nên trích ra một số tiền nhỏ để phòng khi có chuyện gấp. Bạn lưu ý đây không phải là khoản tiết kiệm cho những mục đích tương lai, khoản tiền dự trù này là các khoản chi không dự đoán trước, nhưng đôi khi bắt buộc phải tốn tiền như:
- Sửa chữa: Có thể là sửa xe, sửa điện, nước trong nhà, những khoản này thường bất ngờ xảy ra nên bạn cần có quỹ dự phòng.
- Đau ốm: Những chi phí bất ngờ liên quan đến sức khỏe, như mua thuốc hoặc khám bệnh, là không thể tránh khỏi.
- Sự kiện đột xuất: Đám cưới, sinh nhật hoặc sự kiện quan trọng khác mà bạn cần tham gia.
Việc hiểu rõ và phân loại các khoản chi tiêu sẽ giúp bạn kiểm soát tài chính một cách dễ dàng hơn, từ đó biết cách điều chỉnh chi tiêu sao cho phù hợp với mục tiêu tiết kiệm.
3. Các khoản chi tiêu có thể cắt giảm
Sau khi bạn đã phân loại được các khoản chi, thì giờ đây bạn sẽ dễ dàng kiểm tra và cắt giảm những khoản không cần thiết. Dưới đây là một số gợi ý MoMo tin bạn có thể cắt giảm chi tiêu dễ dàng:
3.1 Ăn uống bên ngoài
Ăn ngoài thường xuyên là một trong những nguyên nhân lớn khiến chi tiêu của bạn tăng cao. Để cắt giảm thì bạn có thể:
- Tự nấu ăn tại nhà: Nấu ăn không chỉ tiết kiệm hơn mà còn giúp bạn kiểm soát chế độ ăn uống lành mạnh.
- Lập kế hoạch: Bạn có thể lên thực đơn cho cả tuần để chuẩn bị trước, từ đó tránh việc ăn ngoài đột xuất vì không có nguyên liệu nấu ăn.
- Giới hạn số lần ăn ngoài: Đặt mục tiêu chỉ ăn ngoài một hoặc hai lần mỗi tuần, thay vì nhiều hơn.
3.2 Giải trí
Các hoạt động giải trí/mua sắm có thể khiến bạn tiêu tốn không ít tiền. Nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm cách cắt giảm mà vẫn có những trải nghiệm thú vị. MoMo gợi ý bạn:
- Tham gia các hoạt động miễn phí: Thay vì đi xem phim hoặc đi tới những nơi sang chảnh, bạn có thể tham gia vào các hoạt động ngoài trời như: Đi dạo, đọc sách, đạp xe…
- Tận dụng ưu đãi: Hãy sử dụng ưu đãi khi thanh toán, nhiều ưu đãi gộp lại bạn cũng có thể tiết kiệm được kha khá đấy.
- Cắt giảm cho các sở thích không cần thiết: Nếu bạn có những sở thích tốn kém như check-in những nơi sang chảnh, ăn đồ mắc tiền… Hãy giới hạn số lần đi hoặc cân nhắc chọn lựa những nơi vừa túi tiền hơn.
3.3 Mua sắm
Việc mua sắm quần áo và phụ kiện có thể nhanh chóng trở thành một khoản chi lớn nếu không được kiểm soát, vì thế:
- Hãy mua sắm thông minh, chỉ mua khi thật sự cần và ưu tiên những món đồ chất lượng thay vì số lượng.
- Giảm tần suất mua sắm. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc 30 ngày – nếu bạn cảm thấy cần mua một món đồ, đợi 30 ngày để quyết định xem liệu món đồ đó có thực sự cần thiết.
- Săn sale: Thay vì mua sắm theo cảm hứng, hãy tận dụng những đợt khuyến mãi lớn để mua được sản phẩm với giá tốt hơn.
3.4 Cắt giảm những dịch vụ không cần thiết
Nhiều người thường có thói quen đăng ký nhiều dịch vụ hàng tháng nhưng không sử dụng, tạo ra khoản chi tốn kém mà lại không giúp được cho bản thân. Vì thế từ giờ bạn hãy:
- Kiểm tra lại các dịch vụ đang sử dụng, rà soát lại các dịch vụ bạn đã đăng ký như Netflix, Spotify, phòng gym,… Nếu có dịch vụ nào bạn ít dùng hoặc không còn cần thiết có thể hủy để tiết kiệm.
- Tìm các phương án rẻ hơn: Nếu bạn sử dụng nhiều dịch vụ giải trí, hãy xem xét chọn những gói ưu đãi, hoặc chia sẻ tài khoản với bạn bè, người thân để tiết kiệm chi phí.
Việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết này, bạn sẽ nhanh chóng thấy sự thay đổi tích cực trong bức tranh tài chính của mình, mà vẫn duy trì được lối sống thoải mái và hợp lý.
4. Các khoản chi tiêu có thể tối ưu
4.1 Tiền điện, nước
Tiền điện và nước là những chi phí không thể tránh khỏi, nhưng bạn hoàn toàn có thể tối ưu bằng cách:
- Sử dụng thiết bị tiết kiệm điện như: Công nghệ tiết kiệm năng lượng. Bạn nhớ thường xuyên kiểm tra, bảo trì để thiết bị hoạt động hiệu quả và tiết kiệm hơn nhé.
- Tắt thiết bị khi không sử dụng để đỡ phải trả nhiều tiền khi nhận hóa đơn cuối tháng.
- Sử dụng nước hợp lý và cân nhắc lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước trong nhà.
4.2 Chi phí đi lại
Chi phí đi lại cũng là một khoản lớn hàng tháng, đặc biệt là nếu bạn thường xuyên di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, nếu có thể hãy lựa chọn đi xe buýt, tàu điện hoặc các dịch vụ công cộng khác để tiết kiệm tiền đổ xăng. Hoặc bạn có thể giảm tiền đi lại bằng bằng cách đi chung xe với đồng nghiệp, bạn bè.
4.3 Tiền điện thoại, internet
Xem xét lại các gói cước điện thoại và internet bạn đang sử dụng. Nếu bạn không dùng hết dữ liệu hoặc các dịch vụ đi kèm, hãy chọn những gói rẻ hơn hoặc xem xét các gói tổng hợp thường sẽ có giá ưu đãi hơn là bạn mua riêng lẻ.
Tối ưu các khoản chi thiết yếu là cách tuyệt vời để giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp bạn duy trì một cuộc sống cân bằng mà vẫn đạt được mục tiêu tiết kiệm. Phần tiếp theo, MoMo xin giới thiệu bạn nguyên tắc chi tiêu vô cùng phổ biến nhưng đem lại hiệu quả rất tốt, cùng xem nhé!
5. Nguyên tắc chi tiêu 6 chiếc lọ giúp bạn tiết kiệm dễ hơn
Nguyên tắc chi tiêu 6 chiếc lọ là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân phổ biến, giúp bạn phân bổ thu nhập hợp lý cho các mục tiêu khác nhau trong cuộc sống.
5.1 Nguyên tắc chi tiêu 6 chiếc lọ là gì?
Phương pháp này được chia thành 6 lọ tài chính, mỗi lọ đại diện cho một mục tiêu chi tiêu hoặc tiết kiệm khác nhau. Cụ thể:
- Lọ 1 - Nhu cầu thiết yếu (55% thu nhập): Dành cho các chi phí thiết yếu hàng ngày như tiền nhà, ăn uống, hóa đơn điện nước, đi lại,...
- Lọ 2 - Quỹ tự do tài chính (10% thu nhập): Khoản này dùng để đầu tư dài hạn, tạo nguồn thu nhập thụ động trong tương lai.
- Lọ 3 - Quỹ giáo dục (10% thu nhập): Để đầu tư vào việc học hành, phát triển bản thân qua các khóa học, sách vở,...
- Lọ 4 - Quỹ tiết kiệm dài hạn (10% thu nhập): Khoản này để dành cho các mục tiêu dài hạn như mua nhà, mua xe, hoặc du lịch lớn.
- Lọ 5 - Quỹ hưởng thụ (10% thu nhập): Dùng cho các hoạt động giải trí, mua sắm, ăn ngoài,... nhưng phải trong giới hạn.
- Lọ 6 - Quỹ từ thiện, giúp đỡ (5% thu nhập): Khoản này để đóng góp, giúp đỡ người khác hoặc làm từ thiện.
5.2 Học bí quyết chi tiêu tiết kiệm qua phương pháp trên
Nguyên tắc 6 chiếc lọ không chỉ giúp bạn biết cách phân bổ tiền một cách khoa học, mà còn kiểm soát tốt cuộc sống tài chính cá nhân. Để theo đuổi thành công nguyên tắc này, bạn hãy nhớ:
- Tuân thủ tỷ lệ phân bổ: Cố gắng tuân thủ tỷ lệ phần trăm được chia cho mỗi lọ, và không tiêu quá số tiền đã định cho mỗi lọ.
- Điều chỉnh linh hoạt: Mặc dù tỷ lệ đề xuất là cố định, bạn có thể điều chỉnh dựa trên tình hình tài chính cá nhân. Ví dụ, nếu chi phí thiết yếu của bạn thấp hơn 55%, bạn có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm hoặc đầu tư.
- Tự động hóa việc phân bổ: Bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính hoặc tài khoản ngân hàng có tính năng tự động chia tiền vào các tài khoản phụ theo từng "lọ" để đảm bảo việc chi tiêu được quản lý dễ dàng.
- Theo dõi và điều chỉnh: Định kỳ theo dõi tình hình chi tiêu của từng lọ để biết mình đang sử dụng tiền như thế nào, từ đó điều chỉnh hợp lý cho tháng sau.
6. Mẹo giúp bạn cắt giảm chi tiêu hiệu quả
Để tiết kiệm hiệu quả, ngoài việc cắt giảm những khoản không cần thiết, bạn cần áp dụng một số mẹo quản lý tài chính thông minh. Dưới đây là những mẹo hữu ích giúp bạn kiểm soát chi tiêu tốt hơn và gia tăng khả năng tiết kiệm.
6.1 Tạo thói quen theo dõi và đánh giá chi tiêu
Một trong những cách tốt nhất để quản lý chi tiêu hiệu quả là biết chính xác tiền của mình đi đâu, vì thế ngay từ hôm nay bạn hãy:
- Sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu hoặc đơn giản là sổ tay để ghi lại mọi khoản chi, tiêu hằng ngày.
- Đánh giá hàng tháng: Cuối mỗi tháng, hãy xem lại toàn bộ chi tiêu của mình để điều chỉnh kế hoạch chi tiêu cho tháng tiếp theo nếu cần.
6.2 Duy trì và kỷ luật
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm, bạn cần duy trì kỷ luật trong chi tiêu. Đừng quên đặt ngân sách chi tiêu hàng tuần để kiểm soát tài chính dễ dàng hơn. Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, bạn nên xem xét lại dòng tiền và mức độ tiết kiệm để điều chỉnh nếu cần.
6.3 Tăng thu nhập
Ngoài việc cắt giảm chi tiêu, một cách hiệu quả khác để tiết kiệm là tăng thu nhập. Bạn có thể làm freelance, bán hàng online hoặc tham gia vào các dự án nhỏ để tăng thêm thu nhập.
Nếu có thể, hãy tìm hiểu về các kênh đầu tư như chứng khoán, tiết kiệm có lãi suất cao, hoặc bất động sản để gia tăng thu nhập thụ động.
Hoặc đơn giản nhất là đầu tư vào bản thân, học hỏi thêm các kỹ năng mới để tăng cơ hội thăng tiến và có nguồn thu nhập cao hơn trong tương lai.
Kết luận
Cắt giảm chi tiêu không đồng nghĩa với việc bạn phải sống thiếu thốn hay từ bỏ những điều mình yêu thích. Đó là quá trình giúp bạn tiêu tiền một cách thông minh và có trách nhiệm hơn, tạo cơ hội để xây dựng nguồn tài chính ổn định và dài hạn.
Bằng việc kiểm tra những khoản chi tiêu không cần thiết, tối ưu hóa các chi phí thiết yếu và áp dụng những thói quen tiết kiệm hợp lý, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát tài chính của mình mà không cảm thấy quá căng thẳng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.Có thể bạn quan tâm
- So sánh những app quản lý tài chính cá nhân tốt nhất hiện nay
- Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính: Bí kíp giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả hơn
- Bật mí bí quyết giúp bạn quản lý chi tiêu cá nhân tiết kiệm mà hiệu quả
- Hướng dẫn cách lập kế hoạch tài chính cá nhân toàn diện trong thời đại số
- 5 Quy tắc vàng quản lý tài chính cá nhân và cách ứng dụng bạn cần biết!
- Mẹo chi tiêu tiết kiệm đơn giản mà hiệu quả cho gia đình 4 người