Hôm nay, MoMo muốn cùng bạn bàn về chủ đề mà có lẽ ai trong chúng ta cũng quan tâm: Làm thế nào để quản lý chi tiêu cá nhân một cách tiết kiệm mà vẫn hiệu quả. MoMo biết, đôi khi nhìn vào sao kê tài khoản, bạn có thể cảm thấy bối rối, không biết tiền của mình đã “bay” đi đâu. Nhưng đừng lo, MoMo sẽ giúp bạn biết những bí quyết đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích để bạn không chỉ kiểm soát được tài chính mà còn thấy việc quản lý tiền bạc trở nên dễ dàng và thoải mái hơn. 

Bắt đầu thôi! 

1. Tầm quan trọng của việc biết cách quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả

1.1 Vì sao cần biết cách quản lý chi tiêu cá nhân? 

Quản lý chi tiêu cá nhân không chỉ đơn thuần là việc ghi chép lại các khoản thu chi hàng ngày, mà còn giúp bạn xây dựng tài chính lành mạnh và bền vững. Bởi vì khi bạn nắm vững cách quản lý chi tiêu, bạn sẽ hiểu rõ về dòng tiền của bản thân, từ đó đưa ra các quyết định sáng suốt trong việc sử dụng tiền bạc.

Một lý do quan trọng khác là để bạn tránh rơi vào tình trạng nợ nần hoặc khủng hoảng tài chính. Nếu không biết cách quản lý chi tiêu, bạn có thể dễ dàng tiêu quá mức hoặc không để lại khoản tiết kiệm dự phòng cho các tình huống khẩn cấp. Điều này có thể dẫn đến việc phải vay mượn, sử dụng thẻ tín dụng không kiểm soát, và cuối cùng là mất cân đối tài chính.

1.2 Lợi ích khi bạn biết cách quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả  

Có rất nhiều điểm cộng khi bạn biết quản lý tài chính, dễ thấy nhất là những điểm sau:  

  • Độc lập tài chính: Khi bạn kiểm soát được dòng tiền tốt, bạn giảm thiểu những phát sinh không mong muốn, tự tin hơn trong tài chính mà không phải lo lắng phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. 
  • Gia tăng tài sản: Mua nhà, mua xe, đi học… Có rất nhiều thứ bạn cầu phải đạt được và quản lý chi tiêu hiệu quả chính là chìa khoá để bạn biết cách phân bổ thu nhập hợp lý, tích lũy tiền để tăng tài sản, đạt được các mục tiêu đó.
  • Tăng khả năng tiết kiệm: Quản lý chi tiêu cho bạn nhận ra các khoản chi không cần thiết và tiết kiệm được nhiều hơn. Với khoản tiền tiết kiệm này, bạn có thể đầu tư, sinh lời hoặc quỹ dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. 
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống: Một kế hoạch tài chính vững vàng sẽ giúp bạn sống thoải mái, giảm bớt những áp lực để bạn tập trung hơn vào các khía cạnh khác của cuộc sống như gia đình, sức khỏe…

2. Hiểu rõ các khoản chi tiêu cá nhân

Để quản lý chi tiêu hiệu quả, việc đầu tiên bạn cần làm là biết được các khoản chi tiêu cá nhân, tình hình tài chính của mình. Điều này giúp bạn có cái nhìn tổng quan, từ đó xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp.

2.1 Xác định thu nhập 

Bắt đầu bằng việc liệt kê tất cả các nguồn thu nhập hàng tháng của bạn. Điều này bao gồm lương chính, thu nhập từ công việc phụ, tiền lãi từ đầu tư, hoặc bất kỳ nguồn thu nào khác. 

Liệt kê các khoản chi 

Sau khi xác định thu nhập, bạn cần ghi chép lại các khoản chi tiêu hàng tháng. Chia nhỏ các khoản chi thành hai nhóm chính:

  • Chi tiêu cố định: Bao gồm các khoản như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, tiền ăn uống, bảo hiểm và các khoản trả góp. Đây là những khoản chi bắt buộc mà bạn phải chi tiêu mỗi tháng.
  • Chi tiêu không cố định: Bao gồm các khoản như mua sắm, giải trí, du lịch… Đây là những khoản có thể thay đổi tùy vào nhu cầu của bạn.

Cân đối các khoản chi

Sau khi đã liệt kê đầy đủ, bạn bắt đầu tiến hành xem xét và cân đối các khoản chi tiêu. Nếu mục nào bạn thấy có thể cắt giảm thì nên tối ưu, để tăng vốn tiết kiệm nhất có thể.  

2.2 Lập mục tiêu tài chính 

Một khi đã hiểu rõ về thu nhập và chi tiêu của mình, bước tiếp theo là lập mục tiêu tài chính. Mục tiêu tài chính sẽ giúp bạn định hướng cho việc quản lý chi tiêu, đồng thời tạo động lực để bạn tiết kiệm và đầu tư.

Xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

  • Mục tiêu ngắn hạn: Đây là những mục tiêu bạn muốn đạt được trong thời gian từ vài tháng đến một năm. Ví dụ: Đi du lịch, mua món đồ giá trị hoặc trả hết nợ thẻ tín dụng.
  • Mục tiêu dài hạn: Đây là những mục tiêu có thời gian từ vài năm trở lên và đòi hỏi số tiền lớn: Mua nhà, tích lũy quỹ hưu trí, hoặc đầu tư cho con cái học hành. Mục tiêu dài hạn cần bạn có kế hoạch chi tiết và kiên nhẫn thực hiện.  

Lập kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu:

  • Xác định số tiền cần thiết: Tính toán chính xác số tiền bạn cần cho từng mục tiêu. Điều này giúp bạn biết cần tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng để đạt được mục tiêu đó.
  • Thiết lập thời hạn: Đặt ra thời hạn cụ thể để đạt được mục tiêu. Thời hạn này sẽ giúp bạn có kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm hợp lý.
  • Phân bổ nguồn tài chính: Dựa trên thu nhập hàng tháng, bạn hãy phân bổ một phần cho mỗi mục tiêu. Điều này là để bạn có thể đạt mục tiêu mà không ảnh hưởng quá nhiều đến các khoản chi tiêu hàng ngày.

Theo dõi và điều chỉnh

MoMo khuyên bạn nên thường xuyên theo dõi tiến độ và điều chỉnh khi cần. Nếu có sự thay đổi trong thu nhập hoặc chi tiêu, hãy linh hoạt điều chỉnh lại mục tiêu hoặc thời gian để đảm bảo rằng bạn vẫn đang đi đúng hướng.

Hiểu rõ các khoản chi tiêu cá nhân

3. 4 phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân tiết kiệm mà hiệu quả 

Khi nhắc đến quản lý chi tiêu, có lẽ bạn đã từng nghe qua nhiều phương pháp khác nhau. Hôm nay, MoMo sẽ chia sẻ với bạn 5 phương pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để bạn có thể áp dụng ngay vào cuộc sống. 

3.1 Phương pháp “Pay yourself first" 

Pay yourself first – Đây là một phương pháp khá đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao. Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao sau khi chi tiêu hết mọi thứ, mình lại chẳng còn đủ tiền để tiết kiệm không? Phương pháp này sẽ giúp bạn thay đổi điều đó.

Về cách hoạt động thì đơn giản là ngay khi nhận được lương hoặc thu nhập, bạn sẽ lập tức dành một phần nhất định (thường là 10-20%) để tiết kiệm trước khi chi tiêu vào bất kỳ thứ gì. Đặt tiết kiệm lên làm ưu tiên trước khi bạn muốn sử dụng tiền. 

3.2 Phương pháp 50/30/20

Nếu bạn thích mọi thứ rõ ràng và dễ quản lý, thì phương pháp 50/30/20 chính là dành cho bạn. Phương pháp này chia thu nhập của bạn thành ba phần:

  • 50% dành cho các nhu cầu thiết yếu như tiền nhà, ăn uống, hóa đơn.
  • 30% dành cho các nhu cầu cá nhân như giải trí, mua sắm, và các khoản chi tiêu linh hoạt khác.
  • 20% cuối cùng là để tiết kiệm và đầu tư.

MoMo thấy rằng phương pháp này rất thực tế, vì nó giúp bạn cân bằng giữa việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và tận hưởng cuộc sống, đồng thời vẫn đảm bảo bạn tiết kiệm cho tương lai.

3.3 Phương pháp bì thư 

Phương pháp bìa thư có thể nghe hơi cũ, nhưng lại là một cách tuyệt vời để quản lý chi tiêu hàng ngày, phù hợp nếu bạn thích cảm giác cầm nắm và kiểm soát từng đồng tiền mình tiêu.

Với phương pháp này, bạn sẽ chia tiền mặt của mình vào các phong bì khác nhau, mỗi phong bì đại diện cho một khoản chi tiêu cụ thể như ăn uống, xăng xe, mua sắm. Khi phong bì hết tiền, bạn sẽ không tiêu thêm cho khoản đó nữa cho đến khi nhận được thu nhập tiếp theo. Phương pháp này giúp bạn không bị tiêu quá mức và luôn biết rõ mình đã chi bao nhiêu cho từng hạng mục.

3.4 Phương pháp 6 lọ 

Phương pháp 6 lọ là một trong những cách quản lý chi tiêu được nhiều người yêu thích vì tính tổ chức và rõ ràng. MoMo thấy rằng phương pháp này không chỉ giúp bạn chi tiêu hợp lý mà còn tạo ra các quỹ tài chính khác nhau để đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc.

Dưới đây là cách bạn có thể phân chia thu nhập của mình thành 6 lọ, cụ thể như sau: 

  • Lọ 1 (55%): Chi phí sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tiền nhà, hóa đơn.
  • Lọ 2 (10%): Tiết kiệm dài hạn như quỹ hưu trí, mua nhà, đầu tư.
  • Lọ 3 (10%): Học tập và phát triển bản thân.
  • Lọ 4 (10%): Quỹ giải trí như du lịch, xem phim, ăn uống ngoài.
  • Lọ 5 (10%): Quỹ khẩn cấp, dùng trong những trường hợp bất trắc.
  • Lọ 6 (5%): Quỹ đầu tư mạo hiểm (đầu tư nhỏ lẻ, các dự án rủi ro cao).

Phương pháp 6 lọ 

Phương pháp này không chỉ giúp bạn kiểm soát chi tiêu mà còn khuyến khích bạn phát triển bản thân và nghĩ đến tương lai.

4. Học phương pháp quản lý chi tiêu trên thế giới 

Trong hành trình quản lý tài chính cá nhân, đôi khi chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ những nền văn hóa khác. Các quốc gia khác nhau có những phương pháp riêng, dựa trên triết lý sống và cách nhìn nhận về tiền bạc, mà MoMo tin rằng có thể mang lại nhiều giá trị cho bạn. Dưới đây là hai phương pháp quản lý chi tiêu nổi bật từ Nhật Bản và Do Thái – hai quốc gia nổi tiếng với kỷ luật tài chính và tư duy tiết kiệm.

4.1 Phương pháp Kakeibo của người Nhật

Kakeibo, phát âm là “kah-keh-boh,” là một phương pháp quản lý tài chính truyền thống của người Nhật Bản, xuất hiện từ năm 1904. Đây không chỉ là một phương pháp quản lý chi tiêu, mà còn là một triết lý sống giúp bạn có một cuộc sống tài chính đơn giản nhưng hiệu quả.

Với Kakeibo, bạn sẽ sử dụng một cuốn sổ tay để ghi lại tất cả các khoản thu và chi tiêu của mình. Phương pháp này khuyến khích bạn suy nghĩ trước mỗi khi tiêu tiền bằng cách đặt ra các câu hỏi:

  • Bạn có thực sự cần món đồ này không?
  • Bạn có đủ khả năng mua nó không?
  • Món đồ này sẽ mang lại giá trị gì cho cuộc sống của bạn?

Kakeibo giúp bạn nhận thức rõ hơn về cách mình tiêu tiền, từ đó dễ dàng điều chỉnh các khoản chi không cần thiết. Mỗi tháng, bạn sẽ tổng kết lại tình hình tài chính của mình và đặt ra mục tiêu tiết kiệm cho tháng tiếp theo. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn mà còn khiến bạn cảm thấy thỏa mãn hơn khi chi tiêu có kế hoạch.

4.2 Phương pháp 9-1 của người Do Thái

Người Do Thái nổi tiếng với khả năng quản lý tài chính thông minh, và một trong những bí quyết giúp họ thành công chính là phương pháp 9-1. Đây là một cách quản lý chi tiêu cực kỳ đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, đặc biệt là trong việc tích lũy và bảo vệ tài sản.

Phương pháp 9-1 hoạt động theo nguyên tắc rất dễ nhớ: Mỗi khi bạn kiếm được 10 đồng, bạn sẽ chỉ tiêu 1 đồng và tiết kiệm 9 đồng còn lại. Tỷ lệ này có thể hơi cực đoan đối với nhiều người, nhưng nó phản ánh tư duy tiết kiệm và đầu tư bền vững của người Do Thái.

Lý do mà phương pháp này hiệu quả là vì nó giúp bạn xây dựng một quỹ tiết kiệm vững chắc, từ đó có thể đầu tư vào các cơ hội sinh lời cao. Người Do Thái tin rằng tiền bạc không chỉ là công cụ để tiêu dùng, mà còn là phương tiện để tạo ra nhiều của cải hơn trong tương lai. Phương pháp 9-1 khuyến khích sự kiên nhẫn và tư duy dài hạn, thay vì chạy theo các nhu cầu tiêu dùng ngắn hạn.

MoMo thấy rằng, mỗi quốc gia đều có những bài học quý giá về quản lý chi tiêu mà chúng ta có thể học hỏi. Bằng cách kết hợp những phương pháp này với cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ không chỉ tiết kiệm được nhiều hơn mà còn có thể xây dựng một tương lai tài chính ổn định và thịnh vượng. Hãy thử áp dụng và xem chúng có thể mang lại thay đổi gì cho bạn nhé!

5. Chiến lược tiết kiệm để quản lý chi tiêu hiệu quả 

5.1 Cân đối và có kế hoạch chi tiêu chi tiết

Một trong những bước đầu tiên để quản lý chi tiêu hiệu quả là thiết lập một kế hoạch chi tiêu chi tiết. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát các khoản chi mà còn đảm bảo rằng mỗi đồng tiền bạn kiếm được đều được sử dụng hợp lý.

5.2 Tập thói quen theo dõi thu - chi cá nhân  

Theo dõi thu - chi hàng ngày là thói quen mà MoMo luôn khuyến khích bạn nên duy trì. Điều này không chỉ giúp bạn nắm bắt chính xác tình hình tài chính mà còn giúp bạn nhận ra những khoản chi tiêu không cần thiết. Bạn có thể sử dụng sổ tay, bảng Excel, hoặc các ứng dụng quản lý chi tiêu để ghi lại mọi khoản chi tiêu, từ những khoản nhỏ nhất. Mỗi tuần, bạn hãy dành thời gian để xem xét lại các khoản chi tiêu, từ đó điều chỉnh kế hoạch nếu cần.

Khi bạn liên tục theo dõi và đánh giá tình hình tài chính, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn và dễ dàng điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình.

5.3 Lên danh sách trước khi mua sắm 

Trước khi bạn bước chân vào siêu thị hay cửa hàng, hãy ghi lại những món đồ thực sự cần thiết, tránh việc mua sắm ngẫu hứng. Điều này để bạn kiểm soát chi tiêu, tránh lãng phí tiền bạc và tiết kiệm thời gian khi đi mua sắm.

5.4 Không cuốn theo khuyến mãi/các chương trình mua sắm 

Các chương trình khuyến mãi và giảm giá có thể rất hấp dẫn, nhưng chúng cũng là cái bẫy dễ khiến bạn chi tiêu quá mức. MoMo khuyên bạn hãy cẩn trọng và suy nghĩ kỹ trước khi quyết định mua bất kỳ món đồ nào. Hãy đưa ra quyết định mua sắm dựa trên lý trí, không phải cảm xúc nhất thời do tác động của các chương trình khuyến mãi. Khi bạn kiểm soát được việc chi tiêu trong các dịp khuyến mãi, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ đấy.

5.5 Hạn chế vay mượn 

Vay mượn có thể là giải pháp nhanh chóng để giải quyết các vấn đề tài chính ngắn hạn, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bạn không kiểm soát tốt. Hãy cố gắng không vay tiền để chi trả cho những nhu cầu tiêu dùng không cấp bách. Thay vào đó, bạn nên tích lũy và chi tiêu trong khả năng tài chính của mình. Nếu bạn đã có khoản nợ, hãy ưu tiên trả nợ sớm để giảm thiểu lãi suất và áp lực tài chính về lâu dài.

MoMo khuyên bạn nên hạn chế việc vay mượn và chỉ sử dụng nó trong những trường hợp thật sự cần thiết và đã được cân nhắc kỹ lưỡng.

5.6 Đầu tư, tăng thu nhập cho bản thân 

Tiết kiệm là điều quan trọng, nhưng để quản lý chi tiêu hiệu quả, bạn cũng cần nghĩ đến việc tăng thu nhập cho bản thân đây cũng là một trong những cách để giúp tiền của bạn sinh sôi nảy nở.

  • Đầu tư vào kiến thức: Hãy dành một phần thu nhập của bạn để học hỏi, phát triển kỹ năng và kiến thức mới. Tạo điều kiện để mở ra cơ hội tăng thu nhập, giúp bạn tự tin hơn trong việc quản lý tài chính.
  • Đầu tư tài chính: Bạn có thể tìm hiểu về các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, hoặc kinh doanh nhỏ. Hãy bắt đầu với những khoản đầu tư nhỏ và tăng dần khi bạn đã có kinh nghiệm.

Kết luận

Những chiến lược trên đây không chỉ giúp bạn quản lý chi tiêu hiệu quả mà còn tạo ra một nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ, kiên trì, MoMo tin chắc rằng bạn sẽ thấy sự thay đổi tích cực trong cuộc sống tài chính của mình.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.