'

Xứ Huế mộng mơ, yên bình là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa và lịch sử bao lâu nay. Du lịch Huế, ta được ngắm cầu Trường Tiền, thăm Đại Nội, viếng các lăng tẩm và cảm nhận vẻ đẹp kiến trúc đậm bản sắc Huế trường tồn theo thời gian. Ta được ăn bún bò, cơm hến, được thưởng thức nhã nhạc cung đình. Vẻ đẹp truyền thống và văn hóa ở Huế không chỉ có vậy. 

Ngày nay, các làng nghề truyền thống Huế vẫn đang tiếp nối cha ông để phát triển và lan tỏa các sản phẩm thủ công tinh hoa. Trong đó, làng hương Thủy Xuân đã tạo nên bản sắc độc đáo cho nghề làm hương xứ Huế nhờ sự sáng tạo và hiếu khách của mình.

1. Làng hương Thủy Xuân: Đậm bản sắc truyền thống, 700 năm các Mệ tảo tần.

Cách đây khoảng hơn 700 năm, làng Thủy Xuân là nơi cung cấp hương đốt cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn cũng như cả vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Ngày nay, làng Thủy Xuân vẫn tiếp tục lưu giữ và truyền lại nghề làm hương qua bao đời, không chỉ sản xuất, kinh doanh hương đốt mà còn trở thành điểm du lịch Huế nổi tiếng. 

Làng hương Thủy Xuân cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 7km, lại nằm trên cung đường du lịch lăng Tự Đức - đồi Vọng Cảnh nên khá thuận lợi cho khách du lịch ghé đến. 

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: VnExpress

Hương của làng Thủy Xuân được làm thủ công từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nên hương có mùi nhẹ nhàng, êm dịu và không gây hại cho sức khỏe. Một cây hương gồm có phần lõi và phần bột. Dân làng hương Thủy Xuân dùng ruột tre khô chẻ nhỏ rồi phơi nắng nhiều ngày để làm lõi hương, như vậy khi đốt thì nén hương sẽ cháy đều đến chân hương mà không bị gãy ngang. 

Bột hương được làm từ các nguyên liệu hương quế chi, hoa hồi, đinh hương, thảo quả, nụ tùng, vỏ bưởi… phơi khô, xay nhỏ và nghiền thành bột rồi trộn theo tỷ lệ nghiêm ngặt. Nếu là nhang quế thì bột vỏ cây quế sẽ chiếm tỷ lệ nhiều hơn, nhang trầm thì là bột trầm. Hỗn hợp bột này sau đó được trộn với keo để tạo độ kết dính, sau đó se lại quanh lõi hương thật đều, đẹp.

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: VnExpress

Những ngày nắng, các nghệ nhân lại trải hương ra sân nhà, ở 2 bên đồng cỏ để phơi khô hương. Khác với các làng hương ở những nơi khác, làng hương Thủy Xuân vẫn còn rất chú trọng bước nhuộm chân hương. Tại đây có đến 7 loại màu dùng để nhuộm chân hương. Bên cạnh 2 màu chân hương cơ bản là đỏ và nâu, làng hương Thủy Xuân đã pha trộn để tạo nên màu tím, vàng, xanh lá, xanh dương… để nhuộm. 

Sau khi nhuộm, các cây hương được cột lại thành bó với một đầu được trải xòe ra như đóa hoa đang nở. Các bó hương được sắp xếp thành nhiều hình thù đa dạng: hình tròn, hình hoa, hình đối xứng… tạo nên khung cảnh rực rỡ đầy màu sắc, trở thành background check-in đậm chất Huế của các tín đồ du lịch.

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: VnExpress

Bên cạnh hương quế, hương trầm là một trong những sản phẩm đặc trưng của làng hương Thủy Xuân. Hương trầm được làm từ cây dó bầu hoặc cây dó trầm. Nguyên liệu được các hộ dân ở đây thu mua từ các phu trầm mang từ rừng về, vì vậy hương trầm của làng hương Thủy Xuân có mùi hương nhẹ nhàng, không hề có mùi hóa chất nhân tạo. 

Tùy theo sở thích của khách hàng mà bột hương được pha trộn tỷ lệ trầm ít hay nhiều, bột trầm càng nhiều thì giá càng cao. Hương trầm không chỉ có loại hương cây để cắm mà còn có loại hương nụ, hương không tăm để xông, đốt.

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: sưu tầm

Bên cạnh se tay thủ công, một số hộ làm hương đã đầu tư máy móc để se được nhiều hương hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng. Hương se bằng máy đều hơn, đẹp hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng của hương.

Đặc biệt, người dân làng hương Thủy Xuân không chỉ là các nghệ nhân làm hương mà còn là đại sứ du lịch Huế. Các Mệ, các chú, chị luôn niềm nở đón chào khách du lịch đến tham quan. Họ sẵn sàng giới thiệu, thuyết minh về các công đoạn làm hương và cho du khách trải nghiệm làm hương. Mệ Tuyết của làng hương Thủy Xuân đặc biệt được nhiều người biết đến vì lòng hiếu khách và trái tim nhân hậu của mình. Tuy đã lớn tuổi nhưng Mệ vẫn tần tảo với nghề làm hương, một phần vì muốn gìn giữ nghề truyền thống, một phần muốn làm từ thiện với thu nhập của mình. Nếu có dịp ghé làng hương Thủy Xuân, bạn có thể ghé quán Mệ Tuyết để ủng hộ nhé.

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: VnExpress

Người Việt quan niệm rằng thắp một nén hương lên bàn thờ là thể hiện sự thành kính với tổ tiên và thần linh. Vì vậy, hương là một sản phẩm văn hóa, tâm linh có ý nghĩa đặc biệt, nhất là hương của làng hương Thủy Xuân được làm thủ công từ cái tâm và đam mê của các nghệ nhân, càng tỏ lòng thành kính của người dâng hương. 

2. Kết hợp du lịch Huế cùng làng hương Xuân Thủy

Khi đã chọn làng hương Thủy Xuân làm địa điểm du lịch Huế thì bạn có thể kết hợp viếng lăng Tự Đức và khám phá đồi Vọng Cảnh trong cùng ngày vì ba điểm này nằm trên một cung đường, tiện lợi cho việc di chuyển. 

Lăng Tự Đức

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: sưu tầm

Lăng Tự Đức (còn gọi là Khiêm Lăng) là nơi chôn cất vua Tự Đức - vị hoàng đế thứ 4 và cũng là người trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn. Đây là quần thể với 50 công trình lớn nhỏ với kiến trúc cầu kỳ, có cảnh sơn thủy hữu tình, được xem là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Trong số 50 công trình, nổi bật nhất gồm có:

  • Minh Khiêm Đường: Nhà hát tuồng cổ được xây dựng vào năm 1865 với lối trang trí, chạm trổ tinh xảo. Minh Khiêm Đường là nhà ba gian hai chái với sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa ba gian, khi biểu diễn sẽ trải chiếu hoa lên. Trần nhà được trang trí với hình ảnh của tinh tú, áng mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết trên nền trời xanh. 
  • Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ: 2 công trình nhà thủy tạ trên hồ Lưu Khiêm, là nơi để vua nghỉ ngơi, hóng mát, đàm đạo thơ ca. 
  • Bia Khiêm Cung Ký: Tấm bia khắc bài văn bia do chính vua Tự Đức soạn thảo vào năm 1871. Thông thường, tấm bia tại các lăng vua nhà Nguyễn đều do hoàng đế kế vị sáng tác để đề cao công lao, đức hạnh của vị vua tiền nhiệm. Riêng bia Khiêm Cung Ký do vua Tự Đức tự sáng tác để bày tỏ nỗi lòng của ông với đất nước và ghi lại quá trình xây dựng lăng cũng như mô tả cảnh quan nơi đây. Khiêm Cung Ký có 4.935 Hán tự được khắc trên 2 mặt, là tấm bia có số lượng văn tự nhiều nhất ở Việt Nam. 

Đồi Vọng Cảnh

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: sưu tầm

Sau khi thăm viếng các điểm du lịch văn hóa và lịch sử thì đồi Vọng Cảnh sẽ là một điểm du lịch Huế mới mẻ. Ngọn đồi nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa nên bạn có thể ghé qua sau khi thăm làng hương Thủy Xuân. Đồi Vọng Cảnh được bao phủ bởi nhiều cây xanh nên không khí trên đây rất mát mẻ. Đứng trên đồi Vọng Cảnh, bạn có thể ngắm một góc sông Hương từ trên cao và check-in với khung cảnh cực xịn sò. Đây cũng là điểm ngắm hoàng hôn cực đẹp khi du lịch Huế mà bạn nhất định phải đến.  

Các địa điểm du lịch Huế khác

Bên cạnh làng hương Thủy Xuân, Cố đô Huế có rất nhiều điểm đến để bạn tham quan, vui chơi và khám phá. Sau đây, MoMo xin giới thiệu một số địa điểm du lịch Huế tiêu biểu mà bạn có thể ghé qua trong hành trình của mình như:

  • Đại Nội
  • Chợ Đông Ba
  • Phố đi bộ Huế
  • Đường đi bộ dọc sông Hương
  • Vườn Quốc gia Bạch Mã
  • Chùa Thiên Mụ

3. Đặc sản Huế

Ẩm thực Huế mang 3 tiêu chí: ngon, đẹp, rẻ. Mỗi món ăn Huế đều có tính đa dạng, đến từ các nguyên liệu thịt, cá và các loại rau. Về hình thức, các món đặc sản Huế được bày biện, trang trí như một tác phẩm nghệ thuật. Đã đi du lịch Huế thì bạn không nên bỏ qua những món ăn sau đây:

Bún bò Huế: Bún bò Huế đúng “chuẩn” có nước dùng ninh từ xương ống bò cho ngọt nước, thêm chút mắm ruốc và sả để dậy mùi thơm, chút dầu điều cho màu đẹp. Sợi bún làm từ hỗn hợp bột gạo pha bột lọc với tỷ lệ chuẩn cho ra sợi bún với độ dai vừa phải. Một tô bún bò phải hội đủ 3 vị mặn, ngọt, cay với lát thịt bò to bản được thái mỏng, chả cua thơm ngon và rau sống. 

  • Bún bò bà Tuyết (47 Nguyễn Công Trứ)
  • Bún bò O Phụng - Chú Vọng (14 Nguyễn Du)
  • Quán Cẩm (45 Lê Lợi)

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: sưu tầm

Các loại bánh gói: Có thể nói, các loại bánh gói lá chuối là đại diện ẩm thực Huế, hội tụ các yếu tố ngon hương vị, đẹp hình thức và cách chế biến tỉ mỉ. Bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít… là những cái tên tiêu biểu nhất trong các loại bánh gói. Chỉ từ các nguyên liệu đơn giản như bột năng hay bột gạo nếp và tôm, thịt heo,… bàn tay khéo léo của người dân xứ Huế đã tạo nên những món bánh ngon miệng, đầy tinh tế.

  • Bà Đỏ (8 Nguyễn Bỉnh Khiêm)
  • O Thủy (27 Nguyễn Khuyến)
  • Quán 109 (109 Lê Huân)

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: sưu tầm

Cơm âm phủ: Đây là món ăn gồm cơm trắng với các món ăn kèm được thái sợi nhỏ như nem chua, thịt nướng, trứng chiên, dưa leo, tôm rang… dùng chung với nước mắm tỏi đường chanh. Món ăn dân dã mà lại phảng phất phong cách cung đình, đem lại cảm giác rất Huế đáng phải thử.

  • Quán cơm Âm Phủ (51 Nguyễn Thái Học)

Bánh canh Nam Phổ: Đây là món ăn truyền thống của làng Nam Phổ, Phú Vang. Món đặc sản Huế này có hương vị đậm đà, cách chế biến công phu và trình bày đẹp mắt. Điểm đặc biệt của banh canh Nam Phổ là phần nước dùng từ nước hầm xương, luộc tôm, cua tươi nên có vị ngọt tự nhiên, kết cấu sền sệt độc đáo. 

  • Quán Thúy (16 Phạm Hồng Thái)
  • Quán O Thu (374 Chi Lăng)

du lịch làng hương Thủy Xuân

Nguồn: VnExpress

4. Kinh nghiệm du lịch Huế

Cách di chuyển đến Huế

Huế thuộc khu vực miền Trung Việt Nam, lại là điểm du lịch thu hút nên phương tiện di chuyển đến Huế cũng rất đa dạng. Nếu ở các nơi xa như TP.HCM hay Hà Nội thì máy bay là lựa chọn hợp lý nhất. Nếu bạn dư dả thời gian thì tàu lửa là một lựa chọn khá ổn vì cung đường tàu lửa đến Huế rất đẹp. 

Bạn có thể chọn xe máy, thuê ô tô tự lái hoặc mua vé xe khách đi Huế nếu ở những tỉnh lân cận để chủ động hơn về lịch trình và thời gian. Dù chọn hình thức di chuyển nào thì nhớ truy cập tính năng Du lịch - Đi lại của MoMo đặt vé máy bay, tàu hỏa, xe khách, lẫn thuê xe tự lái để nhận được nhiều ưu đãi tiết kiệm nhé. 

Nên đi Huế vào thời điểm nào?

  • Tháng 2 - tháng 4: Thời tiết sau Tết ở Huế đã đỡ lạnh nhiều, trời thoáng đãng, mát mẻ với nhiều lễ hội truyền thống.
  • Tháng 5 - tháng 9: Mùa khô ở Huế, cũng là lúc du lịch Huế được đẩy mạnh với nhiều hoạt động, festival . Nổi tiếng nhất chính là sự kiện Festival Huế diễn ra 2 năm 1 lần ,mang lại không khí tưng bừng, nhộn nhịp cho Cố đô. 

Làng hương Thủy Xuân nói riêng và xứ Huế nói chung là điểm lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Hãy đến với Huế, với làng hương Thủy Xuân để cảm nhận bản sắc Huế theo cách riêng của bạn.