Đà Lạt luôn được du khách yêu thích bởi không khí mát lạnh, những đồi thông lãng mạn hay những quán cafe trên đồi đặc sắc. Tuy nhiên, Đà Lạt còn nhiều điểm đến tâm linh như chùa chiền, nhà thờ linh thiêng cũng sở hữu những cảnh sắc tuyệt diệu. Nơi đây không những là điểm thăm viếng, cầu an, hay cho bạn tìm hiểu văn hoá, mà còn cho du khách tận hưởng bức tranh thiên nhiên xinh đẹp trên cung đường đến với chốn bình yên.

Hãy cùng siêu ứng dụng MoMo tìm hiểu về những điểm du lịch tâm linh Đà Lạt nổi tiếng nhất qua bài viết dưới đây nhé:

  • Nhà thờ Chính Toà Đà Lạt 
  • Thiền viện Vạn Hạnh 
  • Chùa Linh Phước 
  • Chùa Thiên Vương Cổ Sát 
  • Linh Quy Pháp Ấn 
  • Chùa Linh Ẩn

Những bài viết du lịch Đà Lạt

1. Nhà thờ Chính Toà Đà Lạt

Nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, Nhà thờ Chính Toà Đà Lạt được xây dựng theo kiến trúc Roman kiểu Pháp vào năm 1931. Với lịch sử gần 9 thập kỷ, trải qua một số đợt trùng tu nhưng nơi đây vẫn giữ được gần như hoàn toàn lối kiến trúc thiết kế ban đầu. Đây là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt và là một trong những công trình mang dấu ấn lịch sử cùng với những ngày đầu phát triển của thành phố. 

Điểm đặc trưng của Nhà thờ Chánh Toà là kim chỉ hướng gió hình con gà bằng kim loại đặt trên đỉnh tháp chuông, vì thế nơi đây còn có tên khác là “Nhà thờ Con Gà”. Hình ảnh này cũng trở thành kim chỉ nam cho mỗi du khách khi tham quan Đà Lạt, thấy hình ảnh chú gà từ xa là biết mình đã về đến trung tâm Đà Lạt. 

Nguồn: Nha Tho Thien Chua

Thánh đường thờ Thiên Chúa được lắp đặt 70 tấm kính màu tạo nên các bức tranh ánh sáng lung linh huyền ảo. Cửa chính của nhà thờ hướng thẳng đỉnh núi Langbiang; phía trên còn có tháp chuông cao 47m nơi đặt 4 chiếc chuông đồng kiểu Pháp. Đứng từ đây bạn có thể thu gọn cả thành phố Đà Lạt trong tầm mắt.

Nguồn: Sưu tầm

  • Địa chỉ: 15 Trần Phú, Phường 3, TP. Đà Lạt
  • Lưu ý: Nhà thờ mở cửa hằng ngày, du khách có thể tới thăm quan nhưng nên tránh các giờ sau để không làm ảnh hưởng đến việc làm lễ. 
    • Giờ lễ: Ngày thường: 5:15 và 17:15
    • Chiều thứ Bảy: 17:15
    • Chủ nhật: 5:30-8:30 và 16:00-18:00

2. Thiền viện Vạn Hạnh

Cách chợ Đà Lạt không xa, hướng ra đường Bà Huyện Thanh Quan, nằm giữa đoạn dốc đường Phù Đổng Thiên Vương bạn sẽ thấy cổng của Thiền viện Vạn Hạnh đơn sơ với ngói đỏ. Thiền viện nguyên khởi là khuôn hội Vạn Hạnh do Phật tử địa phương dựng lên để bái Phật. Trải qua nhiều lần trùng tu nay trở thành một trong những nơi có kiến trúc kỳ vĩ của Phật giáo Việt Nam. Nơi đây đặc biệt nổi tiếng với tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa Vi Tiếu  lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, tỏa ra ánh vàng khắp một vùng trời. 

Nguồn: dulichkhampha24h

  • Địa chỉ: 39 Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, Đà Lạt.
  • Lưu ý: Là một điểm đến tâm linh, thiền viện luôn mở cửa đón chào du khách. Tuy nhiên để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, bạn nên đến vào ban ngày để có thể bái lễ hoặc chiêm ngưỡng vẻ đẹp ánh vàng như phát quang của tượng Phật.

3. Chùa Linh Phước

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt về hướng Trại Mát, chùa Linh Phước có kiến trúc mang đậm phong cách Á Đông. Chùa gây ấn tượng bởi những mảng màu tô khảm bằng hàng ngàn mảnh chai, gốm, sành. Khuôn viên chùa nổi bật với con rồng thân dài 49m, vây được khảm từ 12.000 mảnh chai uốn lượn. Chính điện với Tiền Đàn Bảo Tháp được chạm trổ tinh xảo cùng hai hàng cột dọc chạm khắc hình rồng tinh xảo tạo nên vẻ uy nghi tráng lệ. Năm 2010, 50 nghệ nhân và Phật tử đã hoàn thành tượng Phật Quán Thế Âm với chiều cao 15,5m; nặng 3 tấn; kết từ 650 ngàn bông hoa bất tử đạt kỷ lục châu Á.

Nguồn: Poulo trip

Với rất nhiều kỷ lục, chùa Linh Phước là điểm đến du lịch tâm linh Đà Lạt không những quan trọng trong lòng các tín đồ Phật giáo mà còn là điểm đến để du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc tâm linh có một không hai đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Tico travel

  • Địa chỉ: 20 Tự Phước, thuộc địa bàn Trại Mát, Đà Lạt.
  • Lưu ý: Chùa Linh Phước mở cửa đón khách cả ngày, nhưng để có trải nghiệm tốt nhất, bạn nên đi vãn cảnh chùa vào ban ngày.

4. Chùa Thiên Vương Cổ Sát

Cũng mang hơi thở Á Đông nhưng chùa Thiên Vương Cổ Sát lại đặc biệt hơn với lối kiến trúc Triều Châu - Trung Quốc. Nổi bật ngay gian chính là biển bằng chữ Hoa “Từ Bi Bảo Điện” ở gian chính vì vậy chùa còn có một tên gọi khác là “chùa Tàu".

Nguồn: Diane Selwyn

Vừa đến cổng chính chùa, bạn sẽ ấn tượng với những hàng cây cổ thụ râm bóng, cảm nhận ngay được sự thanh tịnh, trầm mặc. Khi đi sâu vào chùa, đầu tiên bạn sẽ gặp Từ Bi Bảo Điện uy nghiêm, thờ Tứ Đại Thiên Vương (Đa Văn Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương). Đây chính là nguồn gốc cho tên chùa Thiên Vương Cổ Sát. 

Phía sau là Quang Minh Bảo Điện - nơi thờ Tây Phương Tam Thánh, ở giữa là tượng A Di Đà, bên trái là Quan Thế Âm Bồ Tát và bên phải là Đại Thế Chí Bồ Tát. Ba bức tượng này đều được điêu khắc tinh xảo, thần thái, được làm từ trầm hương quý do Hòa Thượng Thọ Dã đã thỉnh từ Hong Kong nặng hơn 1500 kg. 

Nguồn:  dalattrongtoi

Chùa còn có một chiếc bàn kỳ lạ, thoạt nhìn chỉ là chiếc bàn bình thường bằng gỗ, nhưng khi đặt tay lên bàn thì chiếc bàn tự xoay như có một lực đẩy vô hình, lật ngửa tay thì chiều xoay sẽ thay đổi. Đây là một trong những hiện tượng kỳ lạ thu hút du khách gần xa.

Nguồn: dalattrongtoi

  • Địa chỉ: 385 Khe Sanh, Phường 10, Đà Lạt 

5. Linh Quy Pháp Ấn

Linh Quy Pháp Ấn nằm khuất sau những đồi thông xanh, cách trung tâm thành phố hơn 120Km. Để đến được điểm du lịch tâm linh Đà Lạt này, ngoài việc ngồi xe khoảng 3 tiếng bạn còn cần một chút sức khỏe để leo đoạn đường núi dẫn lên chùa. 

Linh Quy Pháp Ấn mới được xây dựng hơn chục năm do sư thầy trụ trì bén duyên với cảnh vật nơi đây, quyết tâm lập nơi tu tập tại ngọn núi hình con rùa - núi Linh Quy. Giờ đây, Linh Quy Pháp Ấn hoang sơ đã có diện mạo mới, một ngôi chùa thanh tịnh hoà mình vào thiên nhiên với mây trắng bồng bềnh cùng màu xanh rừng núi, tựa như một bức tranh sơn thuỷ.

Nguồn: linhquyphapan.vn

Điện chính thờ Phật Thích Ca, và cũng là nơi các thầy bắt đầu giờ kinh sáng sớm. Cách bài trí của Linh Quy Pháp Ấn khá đơn giản. Màu nâu sâu lắng của gỗ cùng hương trầm thoang thoảng khiến tâm hồn con người trở nên thư thái hơn.

Nguồn: Zing

Khi ra đến sân chùa bạn sẽ bất giác nhận ra cảnh vật nơi đây trông thật quen thuộc. MoMo gợi ý bạn nơi đây từng là cảnh quay trong MV Lạc Trôi của Sơn Tùng MTP với chiếc cổng trời mô phỏng theo cổng Torii (Nhật Bản). Điểm đặc biệt hơn của chiếc cổng này là không thể bước qua. Theo sư thầy, chỉ người nào đạt đến cảnh giới “không" mới bước qua được ranh giới cõi linh thiêng và cõi trần này.

Nguồn: linhquyphapan.vn

  • Địa chỉ: Ngọn đồi 45, xã Lộc Thành, Bảo Lộc 
  • Lưu ý: 
    • Đường đến chùa từ thành phố Đà Lạt tương đối xa và có đoạn khó đi không phù hợp với những bạn có thể lực kém tay lái yếu.
    • Khi đến chùa vui lòng cởi giày để đi trên sân chính và tuân thủ một số quy định của chùa.

6. Chùa Linh Ẩn - Linh Ẩn Tự

Ở ngoại ô thành phố, nơi nhiều du khách chưa có dịp tới tham quan, Linh Ẩn Tự vẫn luôn là nơi thu hút Phật tử thăm viếng mỗi ngày rằm hay những dịp lễ Phật lớn, là một địa điểm du lịch tâm linh nức tiếng Đà Lạt. Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi, sau lưng là núi thông xanh, trước mặt hướng về thác Voi Địa thế  “tọa sơn ngọa thủy” này càng làm cho Linh Ẩn Tự thêm phần uy nghiêm.

 

Nguồn: dalatbatdongsan

Trên đường đến xã Tà Nung, thị trấn Nam Ban bạn có thể chiêm ngưỡng rừng thông xanh tận chân trời và tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ khác xa với thành phố đông đúc, ồn ào. Trên đường đi chỉ cần nghe được tiếng thác chảy thì cũng là lúc bạn nhìn thấy đại tượng Phật Quan Âm Bồ Tát ở Linh Ẩn Tự dù cách xa hàng cây số.

Nguồn: khachsandalat

Tượng được xây dựng rất tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành vào năm 2019. Bên trong tượng còn có một lối đi lên bàn tay Phật. Khuôn viên chùa có hơn 500 bức tượng Quan Âm do Phật tử khắp nơi gửi về. Vào ngày rằm và mùng một hàng tháng địa điểm du lịch tâm linh Đà Lạt này thu hút hàng trăm, hàng nghìn Phật tử cùng nhau dâng hương lễ Phật.

  • Địa chỉ: Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Đà Lạt
  • Lưu ý: Đường đến chùa từ thành phố Đà Lạt nhiều khúc quanh co không phù hợp với những bạn có thể lực kém tay lái yếu.

Lưu ý khi đến du lịch tâm linh ở Đà Lạt

Những điểm đến du lịch tâm linh Đà Lạt luôn mở rộng cửa đón chào du khách đến tham quan, lễ bái nhưng vẫn có một số lưu ý để chuyến đi hoàn hảo nhất:

  • Nên mang quần áo lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
  • Nên chú ý giữ yên tĩnh, tránh làm phiền đến sinh hoạt của các vị tu nhân.
  • Tránh mang thức ăn và chú ý đến việc giữ vệ sinh trong khuôn viên linh thiêng
  • Nếu chỉ có dự định vãn cảnh, bạn nên tránh đến tham quan vào những khung giờ có lễ bái riêng.

Mỗi điểm đến luôn ẩn chứa một câu chuyện khác nhau. Đến với các địa điểm linh thiêng là nơi thờ phụng các bậc thánh thần trong các tôn giáo, bạn sẽ luôn cảm nhận được một không khí an yên và có phần tách biệt với thế giới bộn bề. Siêu ứng dụng MoMo hy vọng với gợi ý các điểm đến du lịch tâm linh Đà Lạt trên đây, bạn và gia đình sẽ có những giây phút bên nhau an bình trong chuyến đi sắp tới. Đừng quên cập nhật những tin tức mới nhất về du lịch và săn hàng ngàn ưu đãi hấp dẫn trong mục Du lịch - Đi lại trên Siêu ứng dụng MoMo bạn nhé!

Trọn bộ Du Lịch Tâm Linh Việt Nam