Kịch bản Bố Già được chắp bút bởi chính Trấn Thành, đạo diễn bởi Vũ Ngọc Đãng. Phim mang tiêu chí hoàn toàn khác không đặt nặng vấn đề cơm áo gạo tiền như webdrama trước đó mà tập trung vào những câu chuyện gia đình của Ba Sang - Quắn - Bù Tọt.

Poster chính thức của Bố Già

Màu sắc và hình ảnh

Nhẹ nhàng và ấm áp đó là những cảm quan mà Bố Già đem lại cho người xem xuyên suốt bộ phim. Bên cạnh đó xóm nghèo quanh năm ngập nước cùng món cơm sườn cũng là đặc trưng của Sài Gòn thu nhỏ, những cánh cửa cũ mèm cùng hàng xóm luôn luôn ngồi trước cửa là điểm nhấn khó phai mỗi khi bước vào con hẻm nào đó.  

Ba Sang trong Bố Già với tông màu ấm nóng.

Việc khắc hoạ một gia đình đậm chất Sài Gòn còn ở cách xưng hô và nói chuyện với nhau, “ba” - “tui” có lẽ là hai từ thân thương nhất mà mỗi người con miền Nam khi nghe thấy đều nhớ về gia đình mình. Ngoài ra do có bàn tay của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nên những cú máy của phim dường như chính đôi mắt của chúng ta đang quan sát gia đình nhỏ của Ba Sang. Ấn tượng nhất có lẽ là những cú máy oneshot dài 5-7 phút mà ít ai nhận ra, quả thực những cú máy này nếu để ý rõ bạn sẽ thấy được sự ăn ý cũng như khéo léo của toàn bộ diễn viên và cameraman.

Kịch bản

Vốn dĩ xuất phát điểm từ webdrama, nhưng Trấn Thành vẫn khéo léo để bộ phim có nhiều tính chất điện ảnh nhất có thể. Nhưng việc tạo tình tiết để phát triển bộ phim lại vô tình mang đến một mạch phim có quá nhiều nút thắt mà kịch bản không thể giải quyết thỏa mãn cho người xem. 

Nhìn vậy chứ khó chịu lắm à

Mở đầu phim rất nhẹ nhàng, các nhân vật chính làm công việc của mình cảm giác yên bình ngự trị trong khu xóm nghèo ngập nước. Dần dần các nhân vật có đóng góp thêm vào câu chuyện dần được giới thiệu. Đây là một cấu trúc cơ bản của mọi bộ phim và Bố Già làm tốt điều này, nhưng khi đã đi được đến giữa phim thì câu chuyện bẻ lái sang hướng khác. Những drama được nối tiếp thêm vào, đẩy nhịp phim lên cao khi những mâu thuẫn giữa Ba Sang và Quắn ngày càng lớn, phim quá tập trung vào việc thể hiện cá tính của hai người mà quên mất bồi đắp những nhân vật phụ, ở đây có thể nhắc đến đó là Bù Tọt - nhân vật sẽ nối hai cha con nhà Ba Sang lại. 

Sự yêu thương chăm lo vô vờ của Ba Sang

Tiếp đó là nhân vật của Lê Giang bị bỏ ngỏ, có lẽ đây là nhân vật gây nuối tiếc nhất của phim Bố Già vì đến cuối phim cô đi về đâu hay như thế nào là một ẩn số. Đồng hành sự biến mất của Lê Giang đó là người yêu của Quắn, sau khi đồng cam cộng khổ cùng Quắn cô cũng mất dạng chỉ để lại những giây phút nóng bỏng ở đầu phim.

Cameo xịn từ vị trí của Quang Trung

Cái kết hài lòng nhất trong tất cả nhân vật có lẽ là Quý. Ở đây không phải là cái kết hả dạ, mà là cái kết đại diện cho sự nhân quả, Quý hoàn lương nhưng cái giá phải trả là khá đắt, nhắc nhở mỗi chúng ta về một kiếp người. Vừa giận Quý nhưng cũng rất thương Quý và cảnh Quý ngã xuống có lẽ là một trong những cảnh mang lại nhiều cảm xúc cho người xem nhất.

Điểm cuối cùng ở kịch bản đó là phân cảnh Ba Sang và Quắn vào phòng mổ. Có lẽ kịch bản muốn xây dựng đây là cảnh sẽ +1 sức mạnh, +1 niềm tin và +1 sự vui vẻ nhưng cá nhân mình thấy đây là tình tiết phá vỡ sự liền mạch của phim. Nếu thay vào đó là một cảnh cinematic (điện ảnh) hơn, sẽ đem lại sự đồng cảm cũng như niềm tin hơn là cảm thấy một chút “nhảm nhí” ở cảnh này.

Diễn xuất

Mọi nhân vật diễn xuất trong Bố Già có lẽ là rất tốt, hài hoà phản ánh đúng những nhân vật đời thường. Những tính hài trong từng nhân vật rất đáng yêu và duyên dáng.

Phân cảnh đầy cảm xúc của Tuấn Trần.

Trấn Thành và Lê Giang là hai điểm sáng “cực mạnh” của phim, nếu Trấn Thành biểu hiện cho sự nóng nảy bảo thủ thì Lê Giang chính là người đi trung hoà lại. Nhân vật Lê Giang thủ vai cũng rất có điểm nhấn về tính cách và tình yêu, có lẽ trong đời này bạn sẽ muốn có một cô (bà) người yêu như vậy.

Đến với Tuấn Trần, chắc là do mới nên Tuấn Trần chưa thực sự lột tả được hết nhân vật của mình. Những trường đoạn đẩy cảm xúc người xem lên cực độ nhưng chính diễn xuất của Tuấn Trần khiến cảm xúc không được bùng nổ mạnh mẽ. Nhưng bù qua sớt lại thì ở lần này có những lần Tuấn Trần thực sự chìm đắm vào nhân vật của mình, đó là khung cảnh khi cả nhà họp lại, chúng ta thấy được sự phẫn nộ và quan điểm của Quắn rõ ràng nhất ở đây. Nuối tiếc nhất là phân đoạn xin lỗi Ba Sang, thực sự theo quan điểm cá nhân thì đoạn này nếu làm tốt hơn nữa chắc chắn lệ sẽ rơi đầm đìa thay vì việc cố tỏ ra mạnh mẽ ở và vui vẻ ở trên video (mặc dù nước mắt Quắn đang rơi).

Từ anh em thành ba con

Tổng kết

Các bạn sẽ hỏi là phim Bố Già 2021 có đáng xem hay không đúng không? Mình sẽ vẫn trả lời là có, Bố Già là một trải nghiệm điện ảnh thú vị mà các bạn phải trải nghiệm cùng người thân trong gia đình mình. 

Như ở tiêu đề, hãy trân trọng những giây phút cùng người thân, hãy sẽ chia và yêu thương nhau như Bố Già đang muốn truyền tải. Thời gian là vô hạn nhưng cuộc đời là hữu hạn, chuyện buồn ta tạm gác lại, lời xin lỗi thay bằng lời cảm ơn đối với bậc sinh thành khi có thể.