1. Cổ phiếu Blue Chip là gì?

Thuật ngữ "Blue Chip" có nguồn gốc từ các sòng bạc, nơi những con chip màu xanh đại diện cho giá trị cao nhất. Khi áp dụng vào thị trường chứng khoán, "Blue Chip" được dùng để chỉ những cổ phiếu của các công ty lớn, uy tín, có lịch sử kinh doanh vững mạnh và ổn định. Cổ phiếu Blue Chip thường là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư dài hạn vì tính ổn định và tiềm năng sinh lời bền vững mà chúng mang lại.

Đặc điểm của cổ phiếu Blue Chip:

  • Nhân tố chính tác động tới các chỉ số thị trường: Các cổ phiếu Blue Chip thường được đưa vào rổ cổ phiếu để tính các chỉ số thị trường hàng đầu như VN30 tại Việt Nam, S&P 500 và S&P 100 tại Mỹ,... Do đó sự biến động giá của các cổ phiếu Blue Chip sẽ ảnh hưởng lớn tới sự biến động các chỉ số chung của toàn bộ thị trường chứng khoán.
  • Tính an toàn cao: Cổ phiếu Blue Chip có tính an toàn cao vì các cổ phiếu này thường có tính ổn định cao hơn so với các nhóm cổ phiếu khác nhờ quy mô kinh doanh lớn, hoạt động kinh doanh ổn định, tình hình tài chính an toàn và khỏe mạnh. Điều này giúp cho các cổ phiếu Blue Chip ít khi có sự biến động giá giảm quá lớn, mang lại sự yên tâm cho nhà đầu tư.
  • Tỷ suất lợi nhuận cao và ổn định: Cổ phiếu Blue Chip là cổ phiếu của các công ty có khả năng sinh lời cao, ổn định, được thể hiện qua một số chỉ số như ROA, ROE. Chính vì vậy, các cổ phiếu này thường có khả năng tạo ra giá trị bền vững cho các cổ đông.
  • Chi trả cổ tức ổn định: Các công ty có cổ phiếu Blue Chip với đặc điểm hoạt động kinh doanh tăng trưởng đều và ổn định, thường có chính sách chi trả cổ tức minh bạch, đều đặn hàng năm, thể hiện cam kết chia sẻ lợi nhuận với cổ đông. Đây là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của cổ phiếu Blue Chip đối với nhà đầu tư.

Cổ phiếu Blue Chip

Cổ phiếu Blue Chip

2. Ưu điểm khi đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip

Những ưu điểm vượt trội khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu Blue Chip:

  • An toàn và tính ổn định cao: Cổ phiếu Blue Chip của các công ty đã kinh doanh lâu năm, uy tín cao, tốc độ trưởng kinh doanh cao và ổn định. Do đó, việc sở hữu cổ phiếu Blue Chip mang lại tính an toàn và ổn định cho nhà đầu tư.
  • Cổ tức đều đặn: Đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip có thể mang đến thu nhập đều đặn từ cổ tức cho nhà đầu tư, kể cả trong những giai đoạn thị trường nhiều biến động.
  • Thích hợp để nắm giữ lâu dài: Đã là các cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán thì kể cả các cổ phiếu Blue Chip cũng khó tránh khỏi những biến động theo thị trường. Tuy nhiên, các cổ phiếu trong nhóm này thường sẽ ít chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường hơn các nhóm cổ phiếu khác. Chính vì vậy, đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cổ phiếu Blue Chip rất phù hợp để nắm giữ trong thời gian dài hạn.

ưu điểm của cổ phiếu bluechip

Cổ phiếu Blue Chip có tính ổn định cao

3. Nhược điểm khi đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip 

Các nhược điểm khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu Blue Chip:

  • Khả năng sinh lời có thể không cao trong ngắn hạn: Nếu so sánh với tốc độ tăng giá của một số cổ phiếu thuộc nhóm mid-cap hoặc small-cap trong một khoảng thời gian ngắn, có thể các cổ phiếu Blue Chip sẽ có tốc độ tăng giá chậm hơn.
  • Giá cổ phiếu cao: Các cổ phiếu Blue Chip thường có thị giá khá cao, dễ gây tâm lý e ngại khi đầu tư đối với các nhà đầu tư có quy mô vốn nhỏ.
  • Rủi ro từ biến động thị trường: Dù có tính ổn định cao, cổ phiếu Blue Chip vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng từ những biến động chung của thị trường. Trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế hoặc suy thoái thị trường, giá cổ phiếu Blue Chip cũng có thể giảm.

Nhược điểm khi đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip 

Cổ phiếu Blue Chip thường có giá cao

4. Các tiêu chí thường được sử dụng khi đánh giá cổ phiếu Blue Chip 

Thông thường, để đánh giá các cổ phiếu Blue Chip, nhà đầu tư có thể sử dụng một số tiêu chí như sau:

4.1 Vốn hóa thị trường (Market Capitalisation)

Vốn hóa thị trường, một thước đo quan trọng để đánh giá quy mô và giá trị của một công ty, được tính bằng cách nhân số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty đó với giá thị  trường hiện tại của mỗi cổ phiếu. Các công ty Blue Chip thường có vốn hóa thị trường rất lớn, hầu hết là trên 10.000 tỷ đồng, giúp phản ánh vị thế và uy tín của họ trên thị trường.

4.2 Báo cáo tài chính (Financial Reports)

Để đưa ra quyết định đầu tư vào một cổ phiếu nói chung cũng như cổ phiếu Blue Chip nói riêng, nhà đầu tư nên dành thời gian đọc và phân tích tình hình tài chính của công ty đó thông qua các báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Một số chỉ số chúng ta cần quan tâm là doanh thu, lợi nhuận ròng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, lãi cơ bản trên một cổ phiếu,... Sự tăng trưởng ổn định của doanh thu và lợi nhuận trong nhiều năm cho thấy công ty đang hoạt động hiệu quả và có khả năng thích ứng tốt với biến động của thị trường. Ngoài ra, một tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hợp lý đảm bảo rằng công ty không quá phụ thuộc vào nợ, giảm thiểu rủi ro tài chính.

4.3 Thị phần (Market Share)

Cổ phiếu Blue Chip thường là cổ phiếu của các công ty có thị phần lớn trong ngành. Thị phần là một yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng cạnh tranh của công ty. Một công ty có thị phần lớn thường sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn hơn so với các công ty khác trong ngành và có khả năng cạnh tranh tốt hơn.

4.4 Giá trị nội tại (Intrinsic Value)

Để tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip, nhà đầu tư không nên chỉ dựa vào tính ổn định của doanh nghiệp mà còn cần đánh giá kỹ lưỡng giá trị nội tại của cổ phiếu. Chỉ số P/E là một công cụ hữu ích giúp so sánh giá của một cổ phiếu với lợi nhuận mà nó tạo ra. Bằng cách so sánh chỉ số P/E với mức trung bình ngành và các yếu tố cơ bản khác, nhà đầu tư có thể xác định được liệu cổ phiếu đó đang được định giá quá cao hay quá thấp so với giá trị thực của nó.

4.5 Chỉ số ROE và ROA

ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) và ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) là hai chỉ số tài chính quan trọng giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của một công ty. ROE cho biết khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn mà cổ đông góp vào, còn ROA phản ánh hiệu quả sử dụng tổng tài sản của công ty. Đối với các công ty Blue Chip, việc duy trì ROE và ROA ở mức cao trong nhiều năm là một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ.

Nên đánh giá cổ phiếu Blue Chip thông qua nhiều khía cạnh khác nhau

Nên đánh giá cổ phiếu Blue Chip thông qua nhiều khía cạnh khác nhau

5. Phương pháp đầu tư cổ phiếu Blue Chip hiệu quả

Đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip là một lựa chọn tốt cho những người mới tham gia thị trường chứng khoán vì loại cổ phiếu này không chỉ mang lại cơ hội sinh lời bền vững mà còn giúp nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro. Để có thể đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư nên cân nhắc các bước như sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu đầu tư và thời gian đầu tư

Bước đầu tiên và quan trọng nhất khi đầu tư vào cổ phiếu Blue Chip là xác định rõ mục tiêu và thời gian đầu tư. Bạn muốn đạt được gì từ khoản đầu tư này? Là sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn, thu nhập đều đặn từ cổ tức, hay một sự kết hợp linh hoạt giữa cả hai? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ định hình chiến lược đầu tư của bạn. 

Bên cạnh đó, thời gian bạn dự định nắm giữ cổ phiếu cũng ảnh hưởng lớn đến cách tiếp cận thị trường. Nếu bạn có kế hoạch đầu tư dài hạn, bạn có thể thoải mái vượt qua những biến động ngắn hạn của thị trường. Ngược lại, với thời gian đầu tư ngắn hơn, bạn cần có một chiến lược linh hoạt hơn, tập trung vào việc xác định điểm mua bán phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận.

Bước 2: Nghiên cứu và lựa chọn cổ phiếu Blue Chip

Một số yếu tố quan trọng cần xem xét khi lựa chọn cổ phiếu Blue Chip bao gồm:

  • Tăng trưởng lợi nhuận: Ưu tiên các công ty có lịch sử tăng trưởng lợi nhuận ổn định và bền vững. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và có khả năng tạo ra giá trị cho cổ đông trong tương lai.
  • Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE): ROE là chỉ số thể hiện khả năng sinh lời của công ty trên mỗi đơn vị vốn chủ sở hữu. Chỉ số ROE cao cho thấy khả năng sinh lời của công ty cao. Trong quá trình phân tích, các nhà đầu tư có thể theo dõi chỉ số này của công ty trong giai đoạn từ 3- 5 năm để đánh giá khả năng sinh lời có ổn định không.
  • Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E): Các công ty có tỷ lệ D/E thấp là các công ty có cấu trúc vốn lành mạnh, sử dụng một tỷ lệ nợ hợp lý để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Điều này giúp cho công ty có thể giảm thiểu rủi ro tài chính.
  • Lịch sử trả cổ tức: Nhà đầu tư có thể lựa chọn các công ty có lịch sử trả cổ tức đều đặn, ổn định và hấp dẫn để đầu tư.

Bước 3: Thời điểm đầu tư

Lựa chọn thời điểm mua vào hợp lý là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một khoản đầu tư. Thời điểm lý tưởng để mua cổ phiếu Blue Chip thường là khi thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh hoặc định giá thấp. Điều này giúp nhà đầu tư có cơ hội mua được cổ phiếu của các công ty chất lượng với giá hấp dẫn, từ đó giúp tăng khả năng sinh lời trong tương lai.

Để xác định thời điểm mua vào phù hợp, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng của thị trường chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô và tin tức liên quan đến từng công ty cụ thể. Bên cạnh đó, phân tích kỹ thuật cũng là một công cụ hữu ích giúp xác định các điểm vào lệnh tiềm năng. Ví dụ, khi một cổ phiếu đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 52 tuần và các yếu tố cơ bản của công ty vẫn ổn định, đây có thể là một cơ hội mua vào hấp dẫn.

Cổ phiếu Blue Chip đang bị định giá thấp chính là thời điểm mua tốt nhất

Cổ phiếu Blue Chip đang bị định giá thấp chính là thời điểm mua tốt nhất

Bước 4: Theo dõi và tái cơ cấu danh mục đầu tư

Nhà đầu tư cần thường xuyên theo dõi danh mục đầu tư để đánh giá hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả đầu tư của từng cổ phiếu trong danh mục tổng thể, nhà đầu tư có thể điều chỉnh tỷ trọng các cổ phiếu (bằng cách mua thêm hoặc bán bớt) trong danh mục đầu tư một cách định kỳ, còn gọi là tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng cách phân bổ vốn vào nhiều cổ phiếu Blue Chip thuộc các ngành khác nhau. Việc phân tán rủi ro này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực nếu một ngành nào đó gặp khó khăn.

6. Các cách mua cổ phiếu Blue Chip

Để mua cổ phiếu Blue Chip, nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong hai phương thức phổ biến: Mua trực tiếp trên các sàn giao dịch chứng khoán hoặc mua gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư.

6.1 Mua cổ phiếu Blue Chip trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán

Để mua cổ phiếu Blue Chip trực tiếp, bạn cần mở một tài khoản chứng khoán tại một công ty chứng khoán uy tín.  Sau khi tài khoản được mở, bạn có thể bắt đầu nạp tiền và giao dịch chứng khoán. Tại đây, bạn có thể tìm kiếm và chọn mua cổ phiếu Blue Chip mà mình đã nghiên cứu và lựa chọn. Quá trình mua bán sẽ được thực hiện thông qua các lệnh mua bán trên sàn giao dịch, và bạn cần theo dõi giá cổ phiếu thường xuyên để ra quyết định đầu tư phù hợp.

Vậy, nên đăng ký mở tài khoản và giao dịch chứng khoán ở đâu? Với Chứng Khoán CV trên MoMo, việc đầu tư vào những cổ phiếu hàng đầu trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chỉ với vài thao tác trên điện thoại, bạn đã có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán miễn phí chỉ trong 2 phút và bắt đầu giao dịch với số vốn nhỏ chỉ từ 10.000đ. Không những thế, bạn còn được hỗ trợ nạp/rút tiền nhanh chóng, đặt lệnh giao dịch mượt mà và dễ dàng quản lý danh mục đầu tư của mình mọi lúc, mọi nơi.

Chứng Khoán CV trên MoMo

Chứng Khoán CV trên MoMo

6.2 Mua cổ phiếu Blue Chip gián tiếp qua quỹ đầu tư

Nếu bạn không muốn tự mình tham gia trực tiếp vào thị trường chứng khoán, thì đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư là một phương án đáng cân nhắc. Quỹ đầu tư là một tổ chức chuyên nghiệp, tập hợp vốn từ nhiều nhà đầu tư và phân bổ vào danh mục chứng khoán đa dạng, bao gồm cả cổ phiếu Blue Chip. Tùy thuộc vào chiến lược và mức độ chấp nhận rủi ro của quỹ mà tỷ trọng cổ phiếu Blue Chip trong danh mục có thể thay đổi. Khi đầu tư vào quỹ, bạn gián tiếp sở hữu cổ phiếu Blue Chip và hưởng lợi từ sự tăng trưởng của chúng.

7. Danh sách các cổ phiếu Blue Chip trên thị trường

Các cổ phiếu Blue Chip đang được niêm yết trên sàn HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh):

Tên công ty

Mã cổ phiếu

Vốn hóa thị trường*

(ĐV: Tỷ Đồng)

Tăng trưởng lợi nhuận**

(2022-2023)

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

VNM

157,373.65

4,50%

Công ty Cổ phần FPT

FPT

194,969.82

20,11%

Tập đoàn Vingroup

VIC

160,020.24

7,95%

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

VCB

518,667.67

10,37%

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động

MWG

102,041.69

-88,61%

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát

HPG

167,261.94

-21,47%

Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Quý Nhuận

PNJ

36,266.26

7,63%

Tổng Công ty Khí Việt Nam

GAS

195,222.89

-22,16%

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan

MSN

111,472.25

-50,21%

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang

DHG

13,976.75

5,42%

*Dữ liệu về vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp được MoMo trích xuất từ trang thông tin điện tử cafef.vn tính đến ngày 21/08/24.

**Cách tính mức tăng trưởng lợi nhuận mà MoMo áp dụng: (Lợi nhuận trước thuế 2023 - Lợi nhuận trước thuế 2022)/Lợi nhuận trước thuế 2022.

Tóm lại, cổ phiếu Blue Chip là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn cho những nhà đầu tư ưu tiên sự ổn định, an toàn và lợi nhuận bền vững. Tuy nhiên, như mọi hình thức đầu tư khác, nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng và tìm hiểu kỹ về từng doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định.

Mọi thắc mắc, khách hàng vui lòng liên hệ MoMo theo 3 cách:

  • Hotline: 1900 54 54 41 (1.000đ/phút)
  • Email: [email protected]
  • Tính năng Trợ giúp: Đăng nhập MoMo >> Chọn biểu tượng Trợ giúp hoặc nhập từ khóa "trợ giúp" vào ô tìm kiếm.