Nằm cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 130km về phía Đông Bắc, Tủa Chùa là huyện miền núi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, vì thế đến tháng 4/2023, huyện Tủa Chùa vẫn còn 8 thôn/bản chưa có điện lưới quốc gia. Dù vùng đất này toát lên vẻ đẹp hút hồn của cao nguyên với những lớp lớp “măng” đá cùng sức sống mãnh liệt của người dân bản địa, nhưng do địa bàn có nhiều núi đá, độ dốc lớn, thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa hè, đất sản xuất ít, nên tỷ lệ đói nghèo cao.
Điểm trường tiểu học Tả Phìn có 4 phòng học mượn tạm từ phòng nội trú
Tả Phìn là xã vùng cao của huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên Mặc dù gần trung tâm huyện nhưng giao thông vẫn còn khó khăn, địa bàn rộng, các điểm trường không tập trung, dân cư ở rải rác xa khu vực trường. Những bản gần, học sinh đến trường cũng khoảng 2km, đi lại vất vả. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em. Vì vậy, hình ảnh cán bộ, giáo viên vùng cao như Tủa Chùa “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” vận động học sinh ra lớp trở nên vô cùng quen thuộc. Vận động đã khó, để các em gắn bó với trường và chuyên tâm học hành lại càng khó hơn.
Khoảng cách từ nhà đến trường xa, trung bình khoảng 8km nên đa phần các em đều ăn bán trú và nghỉ tại khu nội trú của trường
Trường PTDTBT tiểu học Tả Phìn nằm ở thôn Tả Phìn, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có 01 điểm trường chính và 02 điểm trường lẻ, là nơi theo học của 451 học sinh. Trường hiện có tổng số 16 phòng, trong đó, có 06 phòng kiên cố với diện tích 46m2; 09 phòng tạm, trong đó 04 phòng tạm lấy từ phòng nội trú học sinh với diện tích 30m2, 02 phòng mượn của trung tâm học tập cộng đồng xã. Phòng học tạm được dựng từ năm 2013, hiện đã xuống cấp, không đủ diện tích và ánh sáng để đảm bảo chất lượng cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Các phòng học tạm hiện đang có 250 em học sinh gồm: 113 học sinh lớp 5, 58 em học sinh lớp 4, 53 em học sinh lớp 3 và 24 em học sinh lớp 2.
Các em học sinh đang theo học tại trường 100% đều là đồng bào dân tộc người Mông thuộc các thôn như thôn Tả Phìn, Là Xa, Háng Sung 1, Háng Sung 2, Tào Cu Nhe, Tủa Chử Phồng, Tả Dê, Củ Dỉ Sang của xã Tả Phìn. Do khoảng cách từ nhà đến trường xa, trung bình khoảng 8km nên đa phần các em đều ăn bán trú và nghỉ tại khu nội trú của trường. Điều kiện vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, thì vậy để đảm bảo duy trì sỹ số học sinh trước khi bước vào năm học mới là vô cùng khó khăn. Không chỉ vậy, trong quá trình học tập và ở tại trường, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ phù hợp với lứa tuổi, tạo hứng thú trong học tập, cảm giác gần gũi, thân quen nhất như các em đang ở nhà. Trước những khó khăn đó, nhà trường rất mong muốn có được sự chung tay của cộng đồng để xoá bỏ các lớp học tạm, mang đến cơ hội được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn cho các em học sinh nghèo hiếu học của vùng cao Tủa Chùa.
Điều kiện vật chất của điểm trường còn nhiều thiếu thốn
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, chung sức vì cộng đồng, giúp đỡ người nghèo, trẻ em vùng cao trên hành trình tìm kiếm tri thức, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia kết hợp cùng Dự án Sức Mạnh 2000 kêu gọi Cộng đồng Heo Đất chung tay quyên góp 2.240.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng sẽ được Anh Chị nuôi của Dự án Nuôi Em quy đổi tương ứng với 560.000.000 đồng để xây dựng 04 phòng lớp học có nhà vệ sinh khép kín dành tặng cho thầy và trò của Trường PTDTBT tiểu học Tả Phìn. Để dự án sớm được tiến hành chúng tôi rất mong nhận được sự đồng hành của các tấm lòng nhân ái.
Góp Heo Vàng giúp các em nhỏ điểm trường tiểu học Tả Phìn có lớp học an toàn và khang trang
Mỗi đóng góp dù ít hay nhiều của bạn cũng góp phần giúp dự án được sớm triển khai, các em học sinh và giáo viên Trường PTDTBT tiểu học Tả Phìn sẽ được học trong phòng học mới vừa kiên cố vừa an toàn.
Về Dự án Nuôi Em:
Xuất phát điểm từ việc xây trường mà trẻ vẫn bỏ học vì thiếu ăn nên dự án đã tiến hành Nuôi Cơm vùng cao, cụ thể, mỗi bữa cơm là 8500đ và dự án lo việc nấu đồ ăn (thông qua thầy cô) cơm thì bố mẹ các cháu nấu cho các cháu đem đi (một số địa phương đặc thù thì thầy cô giáo nấu cơm ). Dự án này thực hiện từ 2014, tuy nhiên bùng nổ vào mùa 2018-2019 khi đưa ra mô hình MỘT NGƯỜI - NUÔI MỘT CHÁU mỗi tháng 150,000, mỗi năm 1,350,000 đặc thù là tính Cá Nhân Hóa (Mỗi người nuôi đều biết mặt mũi, thông tin, sđt bố mẹ thầy cô già làng trưởng bản, hiệu trưởng, Phòng giáo dục và Được lên thăm các cháu 3 lần/năm) + Tính lan tỏa + Tính bền vững. Tìm hiểu thêm tại http://nuoiem.com.
Về Trung tâm Tình nguyện Quốc gia:
Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (VVC) do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập, là tổ chức cấp Quốc gia nhằm mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ và điều phối hoạt động tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam. VVC Cung cấp đầy đủ thông tin về mọi hoạt động tình nguyện, tập huấn, hội thảo, hội nghị, diễn đàn thanh niên về các vấn đề xã hội trong nước và quốc tế. Là cầu nối giữa những tổ chức xã hội và những người đam mê tình nguyện.
Về dự án Sức mạnh 2000:
Là một dự án gây quỹ xây trường được khởi xướng và điều hành bởi anh Hoàng Hoa Trung - Forbes 30 Under 30 2020, Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu 2019. Tính tới tháng 2/2021, dự án đã xây dựng thành công gần 130 điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh ở các tỉnh vùng cao, giúp hơn 7000 trẻ em được đến trường. Tìm hiểu về dự án thêm tại: http://sucmanh2000.com