Lại một năm nữa sắp trôi qua, kỳ học 2024 - 2025 cũng đang bước vào những tháng cuối cùng, thế nhưng nhiều điểm trường lẻ vùng núi tại các tỉnh vùng cao tại huyện Thuận Châu, huyện Sông Mã thuộc tỉnh Sơn La và huyện Văn Yên thuộc tỉnh Yên Bái vẫn còn chồng chất khó khăn. Nhiều điểm trường lẻ cách trường trung tâm hàng chục km, đường đi trắc trở, phòng học tạm bợ không còn đảm bảo an toàn và điều kiện học tập cơ bản cho các em học sinh.
Điểm trường Tiểu học Co Mạ 1 nằm ở bản Pha Khuông - một địa phương thuộc diện đặc biệt khó khưn của xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có 1 điểm trường trung tâm với tổng số học sinh là 645 em. Hiện nay điểm trường chính có 405 em học sinh và 18 phòng học, trong đó có 13 phòng kiên cố với diện tích 40m2/phòng và 5 phòng học tạm với diện tích 28m2/phòng. Các phòng học tạm được xây dựng từ năm 1998 và đều được thưng gỗ xung quanh, nền được láng xi măng. Đến nay trải qua gần 30 năm sử dụng, phần ván thưng đã mục; nền nhà bị bong tróc lỗ chỗ; đặc biệt là phần móng và các bậc tam cấp bị lún, sụt vô cùng nghiêm trọng. Trường có giáo viên 15/19 giáo viên giảng dạy xa nhà với khoảng cách từ 40 km trở lên và đang ở lại tại trường.
Điểm trường Co Mạ 1 trải qua gần 30 năm sử dụng, phần ván thưng đã mục; nền nhà bị bong tróc lỗ chỗ; đặc biệt là phần móng và các bậc tam cấp bị lún, sụt vô cùng nghiêm trọng
Cũng đóng chân ở một huyện nghèo của tỉnh Sơn Sa còn có Điểm trường Nà Bó thuộc Trường Mầm non Họa My Chiềng En. Đây là nơi theo học của con em đồng bào người Mông tại bản Nà Bó, xã Chiềng En, huyện Sông Mã. Trường Mầm non Họa My Chiềng En có 7 điểm trường, trong đó điểm trường Nà Nó là một trong những điểm trường khó khăn nhất về cơ sở vật chất. Điểm trường có 3 phòng học, trong đó 1 phòng kiên cố xây dựng năm 2018 và 2 phòng lắp ghép xây dựng năm 2020. Các em học sinh theo học mỗi năm đều tăng lên vì vậy đến nay lớp học đã không còn đủ chỗ ngồi, hơn nữa còn đang hư hỏng và xuống cấp mái nhà do mưa gió và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Không chỉ vậy, hiện nay các em học sinh và giáo viên còn đang ở chế độ bán trú, thế nhưng trường vẫn chưa có nước sạch mà phải sử dụng của nhà dân gần trường.
Lớp học ở điểm trường Nà Bó không còn đủ chỗ ngồi, hơn nữa còn đang hư hỏng và xuống cấp mái nhà do mưa gió
Cùng nằm trong khu vực khó khăn chung về cơ sở vật chất giáo dục còn có Điểm trường Bùn Dạo thuộc Trường Mầm non Lang Thíp, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Điểm trường là nơi theo học của 40 em nhỏ được chia thành 2 nhóm lớp gồm mẫu giáo gộp 3-4 tuổi và lớp 4-5 tuổi. Các em có 2 phòng học bán kiên cố với diện tích 47m2/phòng và 01 bếp ăn diện tích 15m2. Phòng học xuống cấp, số lượng học sinh lại ngày càng tăng, thế nhưng bà con đồng bào H’Mông và đồng bào Dao nơi đây còn khó khăn nhiều và kinh tế nên cũng chưa thể đóng góp để xây dựng mới điểm trường.
Phòng học tại điểm trường Bùn Dạo đã xuống cấp, trong khi đó số lượng học sinh lại ngày càng tăng
Trước những khó khăn và vất vả của thầy trò các điểm trường Tiểu học Co Mạ 1 tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; điểm trường Mầm non Lang Thíp huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái và điểm trường Mầm non Hoa My Chiềng En huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia kêu gọi sự chung tay của người dùng Siêu ứng dụng MoMo cùng quyên góp 5.440.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng này sẽ được nhà tài trợ là Anh chị nuôi Dự án Nuôi Em quy đổi tương ứng với 1.360.000.000 đồng để xây dựng các điểm trường:
1. Điểm Trường Nà Bó
- Thuộc Trường Mầm non Hoạ My Chiềng En, bản Lưng, xã Chiềng En, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La
- Ngân sách dự kiến: 410.000.000 đồng
- Dự kiến xây dựng: 2 phòng học, mỗi phòng 42m cùng phòng vệ sinh.
2. Điểm Trường Tiểu học Co Mạ 1
- Thuộc Trường Tiểu học Co Mạ I, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
- Ngân sách dự kiến: 550.000.000 đồng
- Dự kiến xây dựng: 3 phòng học, mỗi phòng 42m.
3. Điểm Trường Bùn Dạo
- Thuộc Trường Mầm non Lang Thíp, thôn Nghĩa Dũng, xã Lang Thíp, huyên Văn Yên, tỉnh Yên Bái
- Ngân sách dự kiến: 400.000.000 đồng
- Dự kiến xây dựng: 2 phòng học, mỗi phòng 42m cùng phòng vệ sinh.
Dự án rất mong nhận được sự chung tay góp sức của Cộng đồng Heo Đất MoMo để khắc phục, cải tạo, xây mới một số hạng mục, nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho việc giảng dạy của thầy và trò nơi vùng cao còn nhiều khó khăn của đất nước.
Về Dự án Nuôi Em:
Xuất phát điểm từ việc xây trường mà trẻ vẫn bỏ học vì thiếu ăn nên dự án đã tiến hành Nuôi Cơm vùng cao, cụ thể, mỗi bữa cơm là 8500đ và dự án lo việc nấu đồ ăn (thông qua thầy cô) cơm thì bố mẹ các cháu nấu cho các cháu đem đi (một số địa phương đặc thù thì thầy cô giáo nấu cơm ). Dự án này thực hiện từ 2014, tuy nhiên bùng nổ vào mùa 2018-2019 khi đưa ra mô hình MỘT NGƯỜI - NUÔI MỘT CHÁU mỗi tháng 150,000, mỗi năm 1,350,000 đặc thù là tính Cá Nhân Hóa (Mỗi người nuôi đều biết mặt mũi, thông tin, sđt bố mẹ thầy cô già làng trưởng bản, hiệu trưởng, Phòng giáo dục và Được lên thăm các cháu 3 lần/năm) + Tính lan tỏa + Tính bền vững. Tìm hiểu thêm tại http://nuoiem.com.
Về Trung tâm Tình nguyện Quốc gia:
Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (VVC) do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập, là tổ chức cấp Quốc gia nhằm mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ và điều phối hoạt động tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam. VVC Cung cấp đầy đủ thông tin về mọi hoạt động tình nguyện, tập huấn, hội thảo, hội nghị, diễn đàn thanh niên về các vấn đề xã hội trong nước và quốc tế. Là cầu nối giữa những tổ chức xã hội và những người đam mê tình nguyện.
Về dự án Sức mạnh 2000:
Là một dự án gây quỹ xây trường được khởi xướng và điều hành bởi anh Hoàng Hoa Trung - Forbes 30 Under 30 2020, Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu 2019. Tính tới tháng 2/2021, dự án đã xây dựng thành công gần 130 điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh ở các tỉnh vùng cao, giúp hơn 7000 trẻ em được đến trường. Tìm hiểu về dự án thêm tại: http://sucmanh2000.com