Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ thuộc xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.
Điểm làng Lơ Pơ thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, đóng chân tại xã Chư Krey, huyện Kông Chro, Gia Lai; cách điểm trường chính khoảng 7 km. Năm học 2023 - 2024, điểm trường có 44 học sinh và được chia thành 2 phòng học. Một lớp ghép học sinh lớp 3, 4 và 5. Lớp còn lại là lớp ghép dành cho các em học sinh lớp 1 và 2. Trong phòng được kê 3 dãy bàn, học sinh khác lớp ngồi quay lưng lại với nhau.
Điểm làng Lơ Pơ là nơi theo học 44 em học sinh
Cả hai căn phòng có diện tích khoảng chừng 100m2, được xây dựng từ năm 2007. Trải qua nhiều năm sử dụng, thời tiết khắc nghiệt của vùng Tây Nguyên thì đến nay công trình đã xuống cấp khá nghiêm trọng. Kính ở cửa chính lẫn cửa sổ đều đã bị vỡ, chỉ còn khung sắt hoen gỉ; trần nhà mục nát và nhiều chỗ đã bong tróc. Cửa kính bị hỏng, giáo viên phải dùng tấm tôn che chắn mưa, nắng hắt vào lớp. "Khổ nhất là những hôm mưa to, phòng học bị dột, cả cô trò phải ngồi dồn vào góc lớp, nước lênh láng khắp nền", giáo viên ở điểm trường nói.
Một vài khu vực tường đã bị nứt nẻ, rêu mốc loang lổ. "Ngồi học mà cứ sợ trần nhà mục nát rớt trên đầu, nhất là các thanh gỗ to", em Danh - học sinh lớp 5 tại điểm trường chia sẻ. Không chỉ hư hỏng nhiều hạng mục, điểm làng Lơ Pơ hiện nay còn không có công trình phụ như nhà vệ sinh, nước sạch, khiến cho các hoạt động sinh hoạt tại trường của các em học sinh gặp nhiều trở ngại.
Trần nhà mục nát đã hư hỏng gây nguy hiểm cho thầy và trò điểm làng Lơ Pơ
Bên cạnh điểm làng Lơ Pơ, điểm trường làng Biên, điểm trường Hrach 2, điểm trường làng Brang cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cần được sửa chữa, lợp lại mái tôn, trần, nền, sơn tường, sân, tường rào, cửa kính… và xây mới phòng học.
Khu sân chơi sơ sài của học sinh ở điểm làng Lơ Pơ
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, Kông Chro là huyện nghèo của tỉnh Gia Lai, có trên 14.000 học sinh cấp mầm non đến THCS. Trong đó học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 75%. Cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn, có 9 điểm trường vùng sâu xuống cấp cần được xây mới, nâng cấp sửa chữa.
Với mong muốn chia sẻ những khó khăn vất vả của thầy trò làng Lơ Pơ, giúp các em có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn, Quỹ Hy Vọng kêu gọi sự chung tay của Cộng đồng Heo Đất MoMo cùng quyên góp 1.600.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng sẽ được nhà tài trợ quy đổi tương ứng với 480.000.000 đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây tặng các em những phòng học cũng như phòng công vụ kiên cố và vững chắc hơn.
Chung tay góp Heo Vàng giúp 44 em học trò và giáo viên điểm làng Lơ Pơ
Tổng kinh phí xây dựng của dự án là 600 triệu đồng, vì vậy dự án còn có 120 triệu đồng được gây quỹ trực tiếp từ Cộng đồng người dùng Siêu ứng dụng MoMo. Quỹ Hy Vọng mong muốn nhận được sự chung tay của cộng đồng nhân ái để dự án sớm được triển khai.
Mỗi sự đóng góp của các nhà hảo tâm dù lớn hay nhỏ cũng đều giúp cho học sinh tại các điểm trường có được nhà vệ sinh mới, để các em an tâm học tập.
Về Quỹ Hy Vọng:
Hope Foundation là quỹ xã hội hoạt động vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, do VnExpress và Công ty Cổ phần FPT vận hành. Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Quỹ Hy Vọng cho rằng để tạo ra một xã hội phát triển thì trước hết cần có nhiều sự kết nối để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Và thúc đẩy các dự án phát triển trong đó mọi người được khuyến khích giải phóng tiềm năng của họ và trang bị cho mình các công cụ, cũng sẽ xóa đói giảm nghèo và tạo ra sự bình đẳng.