Dưới cái nắng khắc nghiệt ở vùng cao nguyên đá Tủa Chùa, phải vượt qua những khúc cua gấp, có độ dốc và cung trượt rất lớn trên con đường uốn lượn, quanh co mới có thể đến được thôn Sín Chải, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Những ngôi nhà gỗ của bản người Mông quần tụ dưới chân dốc núi, làn khói bếp bay lên từ vài nếp nhà sàn truyền thống thật bé nhỏ biết bao nhiêu giữa cảnh núi non trùng điệp.
Những năm trước đây, kinh tế của bà con Sín Chải chỉ dựa vào cây ngô, nương lúa với lối canh du canh, du cư; hơn thế nữa diện tích nhỏ hẹp nên năng suất thấp. Cũng vì vậy mà kinh tế nơi này chậm phát triển, bữa đói bữa no nên việc học của con em trong thôn lại càng không được chú trọng. Cho đến khi các chương trình trọng điểm như 135, 167, Nghị quyết 30a được triển khai, đã tạo tiền đề giúp kinh tế Sín Chải có những bước chuyển mình, phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bà con Sín Chải không những đã thoát khỏi nghèo khó, cảnh dứt bữa trong những tháng giáp hạt mà còn có sản phẩm tiêu thụ, bán buôn ngoài địa bàn. Giao thông căn bản hoàn thiện đã giúp bà con thông thương kinh tế dễ dàng hơn.
Điểm trường Trung tâm thuộc Trường Mầm Non Sín Chải là nơi theo học của con em bản Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên
Điều đặc biệt hơn, hệ thống trường lớp, đủ các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đã biến ước mơ, khát khao được theo đuổi “cái chữ” của con em người dân Sín Chải được trở thành hiện thực. Trẻ em ở độ tuổi đến trường đều được ra lớp đầy đủ. Học sinh ở những bản xa xôi hàng chục km cũng gùi gạo, củi đủ dùng cho những tháng ở lại các khu bán trú dân nuôi, hoà nhập vào phong trào “rời non học chữ” đang phát triển mạnh nơi đây.
Thế nhưng, ngành giáo dục Sín Chải vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Điển hình là điểm trường Trung Tâm thuộc Trường Mầm non Sín Chải, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vẫn còn thiếu phòng vì vậy lớp học ghép chưa đạt được hiệu quả giáo dục như mục tiêu đề ra. học ghép với lớp học tạm bợ và xuống cấp. Hiện nay, điểm trường Trung Tâm có 4 nhóm lớp gồm: Nhà trẻ với 20 học sinh, mẫu giáo 3 tuổi với 25 học sinh, mẫu giáo 4 tuổi với 35 học sinh, mẫu giáo 5 tuổi với 25 học sinh. Nhưng điểm trường chỉ có 3 phòng học kiên cố với tổng diện tích là 70m2 được xây dựng từ năm 2010, vì vậy nhà trường phải bố trí lớp học ghép.
Vì thiếu phòng học nên hiện nay điểm trường vẫn còn tình trạng lớp học ghép
Không chỉ thiếu phòng học, mà điểm trường còn chưa có nguồn nước riêng để sử dụng, đến nay vẫn đang sử dụng nguồn nước từ nhà dân. Ngoài ra, các em học sinh ăn bán trú và ngủ trưa tại trường, nhưng với điều kiện diện tích phòng học như hiện nay rất khó để đảm bảo sức khỏe.
Dù kinh tế địa phương đã có nhiều cải thiện nhờ các chính sách của Nhà nước nhưng để hỗ trợ nguồn ngân sách xây dựng thêm phòng học cho điểm trường thì vẫn rất khó khăn. Vì vậy, điểm trường Trung Tâm rất cần sự chung tay của cộng đồng để giúp các em nhỏ có được phòng học riêng biệt, vừa kiên cố vừa khang trang.
Đồng cảm và thấu hiểu những khó khăn vất vả của thầy và trò điểm trường Trung tâm thuộc Trường Mầm Non Sín Chải, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia kết hợp cùng Dự án Sức Mạnh 2000 kêu gọi Cộng đồng Heo Đất và Cộng đồng người dùng MoMo cùng chung tay quyên góp 2.062.500 Heo Vàng. Số Heo Vàng này sẽ được nhà tài trợ Anh chị nuôi Dự án Nuôi Em quy đổi tương ứng với 330.000.000 đồng. Dự án dự kiến sẽ xây 2 phòng học, mỗi phòng có diện tích 35m2.
Góp Heo Vàng giúp các em nhỏ điểm trường Trung Tâm Sín Chải có lớp học khang trang và kiên cố
Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Cộng đồng Heo Đất MoMo để cùng nhau xây dựng một môi trường học tập tốt đẹp hơn cho các em học sinh tại điểm trường Trung Tâm. Mọi đóng góp của quý vị là vô cùng đáng quý, vì vậy hãy chung tay cùng chúng tôi trong dự án này để góp phần đem lại lợi ích to lớn và ý nghĩa cho sự phát triển của các thế hệ trẻ tương lai tại Sín Chải, Tủa Chùa, Điện Biên bạn nhé.
Về Dự án Nuôi Em:
Xuất phát điểm từ việc xây trường mà trẻ vẫn bỏ học vì thiếu ăn nên dự án đã tiến hành Nuôi Cơm vùng cao, cụ thể, mỗi bữa cơm là 8500đ và dự án lo việc nấu đồ ăn (thông qua thầy cô) cơm thì bố mẹ các cháu nấu cho các cháu đem đi (một số địa phương đặc thù thì thầy cô giáo nấu cơm ). Dự án này thực hiện từ 2014, tuy nhiên bùng nổ vào mùa 2018-2019 khi đưa ra mô hình MỘT NGƯỜI - NUÔI MỘT CHÁU mỗi tháng 150,000, mỗi năm 1,350,000 đặc thù là tính Cá Nhân Hóa (Mỗi người nuôi đều biết mặt mũi, thông tin, sđt bố mẹ thầy cô già làng trưởng bản, hiệu trưởng, Phòng giáo dục và Được lên thăm các cháu 3 lần/năm) + Tính lan tỏa + Tính bền vững. Tìm hiểu thêm tại http://nuoiem.com.
Về Trung tâm Tình nguyện Quốc gia:
Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (VVC) do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập, là tổ chức cấp Quốc gia nhằm mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ và điều phối hoạt động tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam. VVC Cung cấp đầy đủ thông tin về mọi hoạt động tình nguyện, tập huấn, hội thảo, hội nghị, diễn đàn thanh niên về các vấn đề xã hội trong nước và quốc tế. Là cầu nối giữa những tổ chức xã hội và những người đam mê tình nguyện.
Về dự án Sức mạnh 2000:
Là một dự án gây quỹ xây trường được khởi xướng và điều hành bởi anh Hoàng Hoa Trung - Forbes 30 Under 30 2020, Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu 2019. Tính tới tháng 2/2021, dự án đã xây dựng thành công gần 130 điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh ở các tỉnh vùng cao, giúp hơn 7000 trẻ em được đến trường. Tìm hiểu về dự án thêm tại: http://sucmanh2000.com