Cuộc sống chật vật vì khan hiếm nguồn nước sạch của những người dân thôn Lũng Hòa B - Hà Giang
Thôn Lũng Hòa B - xã Xà Phìn - huyện Đồng Văn - tỉnh Hà Giang được mệnh danh là “vùng đất khát” của miền núi phía Bắc tổ quốc. Thôn có trục đường quốc lộ 4C chạy qua địa bàn, cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 16 km về phía Bắc và thành phố Hà Giang khoảng 130km về phía Nam. Người dân chủ yếu là dân tộc Mông, phần lớn thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Họ canh tác duy nhất một vụ ngô vào mùa xuân và hạ, tự cung tự cấp phần lớn lương thực thực phẩm hằng ngày.
Thời tiết và khí hậu tại Xà Phìn hết sức khắc nghiệt. Mùa hè nắng hạn kéo dài, mùa đông lại rét đậm rét hại. Vào mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, tình trạng thiếu nước trầm trọng liên tục xảy ra. Để có nước sử dụng, người dân phải tích trữ từ mùa mưa và tận dụng dẫn nước từ một số khe, hốc đá chảy qua đường mòn dẫn vào bể chứa. Sau mỗi mùa mưa, nước đục phải chờ lắng đọng từ 15 - 20 ngày mới có thể sử dụng được, tuy nhiên vẫn không đảm bảo vệ sinh.
Thôn Lũng Hòa B có tổng cộng 04 bể chứa nước sinh hoạt công cộng được nhà nước tài trợ xây dựng. Qua thời gian dài sử dụng, 03 bể đã xuống cấp và hư hỏng nặng, khả năng dự trữ nước hạn chế, trung bình mỗi bể chứa được khoảng 30 - 40 khối nước/năm. Cả thôn chỉ còn sử dụng được 01 bể chứa nước duy nhất phục vụ chung cho 86 hộ dân, dung tích khoảng 150 - 200m3/năm, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Đều đặn hàng ngày, các hộ dân ở xa bể chứa phải đi xin nước của thôn khác 3 lần, mỗi lần mất khoảng nửa giờ đồng hồ. Những thời điểm vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, nước càng trở nên khan hiếm. Người dân phải mua nước từ các vùng lân cận để sinh hoạt với giá 250.000 đồng/m3, một tháng 2 - 3 lần, mỗi lần 4m3 nước.
Trẻ em sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh
Tại thôn có 01 điểm trường thuộc trường Mầm non Xà Phìn với 27 em học sinh và 01 nhà trẻ với 10 trẻ. Vị trí nằm trên cao, không có hệ thống dẫn nước. Cô Mai Thị Thừa - giáo viên điểm trường Mầm non Xà Phìn chia sẻ: “Điểm trường mầm non chúng tôi có 02 giáo viên, số lượng trẻ là từ 3 - 5 tuổi là 37. Nước sử dụng cho điểm trường luôn trong tình trạng thiếu, nhiều hôm còn không đủ cho trẻ sử dụng. Mỗi ngày đi dạy, 02 cô đều mang từ nhà (cách điểm trường 16km) 02 can nước 20l đến trường cho các cháu sinh hoạt. Những ngày không có đủ nước, các cô thay nhau xin nước từ các hộ dân xung quanh trường, nhưng nhiều hộ cũng khó khăn không có nước mà cho”.
Điểm trường mầm non Xà Phìn và nhà trẻ cùng sử dụng chung 01 téc nước
Do nguồn nước khan hiếm, những hoạt động sinh hoạt của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ buộc phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, đặc biệt ở người già và trẻ em, khi gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh tiêu hóa, đường ruột, bệnh ngoài da, đau mắt hột,….
Nước là nguồn sống thiết yếu của con người. Đặc biệt đối với “vùng đất khát” Hà Giang, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ giúp duy trì sự sống mà còn đảm bảo sự phát triển của người dân, đặc biệt là trẻ em nơi đây.
Dự án “Nước sạch về bản” - phao cứu sinh của người dân thôn Lũng Hòa B - Hà Giang
Trong khuôn khổ chương trình Đại sứ nước, Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) với khởi xướng dự án "Nước sạch về bản" nhằm giúp cho 86 hộ gia đình (với 444 nhân khẩu) và 37 em học sinh tại điểm trường Mầm non Xà Phìn được tiếp cận với nguồn nước sạch. Sau quá trình khảo sát, chúng tôi đã đưa ra phương án xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt tự chảy tại thôn Lũng Hòa B với các hạng mục chính sau:
- Xây dựng 01 bể lọc nước thể tích 4m3, với chiều cao 1m, chiều rộng 2m, chiều dài 2m trên đầu nguồn bằng đá hộc, có hệ thống nắp đậy;
- Xây dựng 01 bể chứa nước đầu nguồn thể tích 4m3 có hệ thống nắp đậy với chiều cao 1m, chiều dài 2m, chiều rộng 2m;
- Lắp đặt 300m đường ống dẫn nước bằng ống kẽm phi 120 từ đầu nguồn đến bể chứa nước tập trung tại khu dân cư.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để thành lập tổ quản lý xây dựng công trình; Huy động người dân tham gia xây dựng công trình dẫn nước; Xây dựng Quy chế quản lý vận hành, sử dụng công trình và phân công trách nhiệm cho các thành viên; Duy tu bảo dưỡng công trình định kì nhằm đảm bảo công trình bền vững và hiệu quả.
Để hiện thực hoá điều này, Heo Đất MoMo kêu gọi từ cộng đồng quyên góp 2.500.000 Heo Vàng, tương đương 250.000.000. Sau khi gom đủ số Heo Vàng trên, 250 triệu VND quy đổi sẽ được sử dụng để trang trải chi phí xây dựng và lắp đặt hệ thống nước sạch cho thôn Lũng Hoà B.
Dựa trên kinh nghiệm của MSD và RIC, cùng sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, chúng tôi tin rằng dự án sẽ được thực hiện thành công. Vì vậy, chúng tôi mong muốn mời người dùng Ví MoMo - các bạn yêu Heo đất Thích từ thiện hãy trở thành những đại sứ nước, đồng hành cùng chúng tôi mang nước sạch về thôn Lũng Hoà B, cũng là mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho người dân nơi đây.
*Sau khi hoàn tất chiến dịch kêu gọi đóng góp, MoMo sẽ sử dụng toàn bộ số tiền 250.000.000 đã gây quỹ để xây dựng công trình cung cấp nước thôn Lũng Hòa B. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin về tiến độ dự án đến Quý vị trong thời gian sớm nhất.
Về MSD:
Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. MSD được công nhận là một tổ chức hàng đầu trong phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh đó, MSD cũng là tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thông qua tổ chức các dự án và hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người vô gia cư, người nhập cư và người khuyết tật tại Việt Nam.
Về Trung tâm RIC:
RIC thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái cho sự phát triển tự chủ, tự quản, hòa nhập và bền vững cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng nông thôn và miền núi. RIC được công nhận là 1 tổ chức hàng đầu trong việc nâng cao năng lực tự quản cho cộng đồng để thực hiện việc xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng tại các vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, hiện tại RIC là một tổ chức duy nhất có thể giúp các cộng đồng tiếp cận được với nguồn ngân sách nhà nước từ Chương trình 135 để thực hiện việc xây dựng, duy tu bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại vùng DTTS và miền núi.