Phát triển kinh tế số tại Việt Nam: Chính Phủ phải làm gương

Sự Kiện
26/11/2020·1.2K

Trong nền kinh tế số, niềm tin là thứ khó xây dựng nhất. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp để làm ra sản phẩm, dịch vụ tốt thì những chính sách thực tiễn của nhà nước để thúc đẩy thanh toán điện tử, bảo vệ người mua hàng trực tuyến là yếu tố căn cơ - Nhận định được nhiều diễn giả tán đồng tại Diễn đàn “Ngày hội Khởi nghiệp Vùng - TECHFEST Vùng 2020”, diễn ra vào ngày 24/11 tại TP.HCM.

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam: Chính Phủ phải làm gương

Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh chủ trì. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

Đại diện Ví điện tử MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp (Phó Chủ tịch, Đồng sáng lập) đã tham gia phiên Thảo luận 2 với chủ đề “Quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam: Công nghệ, thị trường và chính sách". Ngồi cùng phiên thảo luận còn có Ông Trần Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu), ông Ngô Hoàng Gia Khánh (Phó Tổng Giám đốc PTDN của TiKi) và ông Tạ Xuân Thịnh (Giám đốc khối Tiêu dùng cá nhân, Ví điện tử SmartPay).

Báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company chỉ ra, nền kinh tế Internet Việt Nam năm nay đạt quy mô 14 tỷ USD, tăng 16% so với 2019. Dự kiến vào năm 2025, nền kinh tế Internet Việt Nam có khả năng đạt giá trị 52 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 29%, với đại dịch Covid-19 là yếu tố thúc đẩy.

“Covid -19 như chất xúc tác giúp quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Với MoMo, chúng tôi có thêm 10 triệu người dùng chỉ trong 9 tháng. Đặc biệt, trước đây trước đây tôi phải thuyết phục từng người đối tác để kết nối  thì nay họ phải thuyết phục ngược lại tôi”, ông Diệp nói.

Ở khía cạnh tích cực, ông Diệp đánh giá Covid-19 đã giúp thay đổi tư duy của toàn bộ ngành bán lẻ, ngành tài chính với câu chuyện chuyển đổi số. Đồng quan điểm ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc phát triển doanh nghiệp của Tiki cho biết, chuyển đổi số với một doanh nghiệp thương mại điện tử là bắt buộc nhưng Covid-19 đẩy tiến trình nhanh hơn nhiều.

"Nếu như trước dịch, các đối tác của chúng tôi đầu tư cho thương mại điện tử khá chậm, với tốc độ tuyến tính đều đặn 2-3% mỗi năm thì sau dịch họ tăng tốc, lập đội ngũ riêng để kinh doanh online và sẵn sàng thay đổi về logistics để vận hành phù hợp", ông Khánh nói.

“Có những ngành sẽ chết đi, đơn cử như ngành cho thuê băng đĩa dường như xóa sổ và Netflix phải biến đổi từ công ty cho thuê băng đĩa đến bay giờ cung cấp nội dung trên nền tảng số. căn bản là ai cũng sẽ phải thay đổi, kể cả những công ty công nghệ”, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị Sao Bắc Đẩu bổ sung.

Trả lời câu hỏi về việc cộng sinh để cùng phát triển trong nền kinh tế số, theo ông Diệp, hiện có 2 mô hình phổ biến. Thứ nhất là mô hình thay thế, triệt tiêu đối thủ để thống lĩnh thị trường. Thứ hai, là mô hình giống MoMo - xây dựng nền tảng công nghệ mở giúp đối tác kết nối, phát triển cùng nhau. Ông Diệp nhận định, thị trường thanh toán điện tử nói riêng và thương mại điện tử nói chung ở Việt Nam còn rất sơ khai, vì vậy nói đến việc cạnh tranh, loại trừ trong thời điểm này là chưa thích hợp.

“Theo quan điểm truyền thống, mỗi Ví điện tử hay ngân hàng sẽ xây dựng một hệ sinh thái riêng, độc lập trong phát triển dịch vụ. Tuy nhiên trong một xã hội mà công nghệ phát triển như ngày nay thì  không doanh nghiệp nào có thể phát triển độc lập. Tôi thấy sự tham gia của các đơn vị lớn là một tín hiệu rất tốt vì họ chỉ đầu tư khi thị trường thực sự có tiềm năng và nhu cầu sử dụng của khách hàng  tăng cao”, ông Diệp phân tích.

Các diễn cho rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số với tỷ lệ và tốc độ Internet cao, đặc biệt là người Việt rất yêu thích công nghệ. Ngoài ra, chi phí cho chuyển đổi số cũng được cho là ngày càng giảm.

Ông Hồ Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Misa ví dụ một doanh nghiệp quy mô 300 nhân sự, doanh số 500 tỷ mỗi năm, muốn đầu tư một hệ thống ERP (hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp) nước ngoài có thể tốn khoảng 3,5 tỷ đồng. Trong khi đó, một nền tảng nội địa có thể có giá 550 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm làm việc với hơn 30.000 đối tác, trong đó phần lớn là các SMEs, ông Diệp khẳng định bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp lớn,cần quy trình, hệ thống phức tạp thì có thể đầu tư tài chính, nhân sự để xây dựng hệ thống riêng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có thể số hóa theo nhu cầu bằng cách đi mua hoặc thuê hệ thống, giải pháp của bên thứ 3 như MoMo chẳng hạn.

“Hiện nay, chúng tôi đã thành lập bộ phận “Giải pháp cho đối tác”, chúng tôi cung cấp tập trung 4 yếu tố mà các doanh nghiệp cần sau thời kỳ covid, nhất là trong kỷ nguyên số: Cung cấp hạ tầng, tìm kiếm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng tốt hơn và cuối cùng chính là giải quyết bài toán thu chi”, ông Diệp cho biết.

Các diễn giả cũng nhấn mạnh, trong nền kinh tế số, niềm tin là thứ khó xây dựng nhất. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp để làm ra sản phẩm, dịch vụ tốt thì những chính sách thực tiễn của nhà nước để thúc đẩy thanh toán điện tử, bảo vệ người mua hàng trực tuyến là yếu tố căn cơ.

“Chính Phủ khó có thể thuyết phục người dân mua hàng online, thanh toán không tiền mặt khi các hoạt động của Chính Phủ chưa được số hóa, điện tử hóa. Cái chúng ta cần bổ sung thêm là chính sách hỗ trợ và thực thi quyết liệt của nhà nước để người dân tin tưởng”, ông Diệp nói.

Song song, những đơn vị soạn chính sách cần tiếp cận thực tế hơn. Các doanh nghiệp có kinh nghiệm thực tiễn cần trao đổi với các nhà nghiên cứu trường viện, nơi tư vấn chính sách và những nhà soạn thảo chính sách để góp ý, tránh ra những chính sách trên giấy, không áp dụng được.

Đánh giá :
5
/0

Ưu đãi nổi bậtƯu đãi nổi bật