Phùng Thị Thủy, một em bé Dao đỏ mới 14 tháng tuổi, nặng vỏn vẹn 8kg, mắc khe hở môi toàn bộ bẩm sinh. Đầu tháng 6 vừa rồi, Thủy may mắn được hai người bác biết tiếng Kinh, sau khi biết được thông tin chương trình, đã dẫn hai mẹ con Thủy từ bản Hò Lù - xã Khánh Xuân – Bảo Lạc – Cao Bằng xuống Hà Nội để em được phẫu thuật.
Suốt một tuần điều trị dưới Hà Nội, trừ buổi tối ra còn hầu như lúc nào Thủy cũng được địu trên lưng mẹ - người mẹ tên Diếp, sinh năm 2001, dáng nhỏ thó, gầy nhom và chắc cũng chỉ nặng vài chục cân. Người bác đi cùng kể rằng, lúc chuyển dạ sinh Thủy ra, do yếu quá nên Diếp đã ngất đi và mãi mới tỉnh lại trong căn nhà sàn ẩm thấp hơi sương của bố mẹ chồng. Do quê quá nghèo, nên chồng Diếp, tức bố Thủy, đi làm thuê tận Điện Biên, và không thể có mặt lúc con mình chào đời.
Mẹ Diếp cùng bé Thủy trong những ngày ở viện
Nhà bố mẹ đẻ Diếp nghèo, nhà bố mẹ chồng cũng nghèo. Cái nghèo là điểm chung của hơn hai chục nóc nhà trên bản người Dao đỏ Hò Lù. Ai đã từng nghe tới đèo Khau Cốc Chà, hay đèo Mẻ Pja, thì Hò Lù ở ngay bên hai địa danh nổi tiếng ấy. Nằm cạnh con đèo 15 khoanh, cuộc sống ở Hò Lù là 3 không: không điện, không nước ngầm, và cả không có đất để trồng lúa. Chênh vênh trên những triền núi lởm chởm đá sát với biên giới Việt – Trung, Hò Lù là một cao nguyên đá giống như Đồng Văn, người dân sống trên đá, bám đá mà đi và lựa đá mà trồng cái ăn.
Không có điện, dân bản dùng điện từ ắc quy và “giếng trời” – người ta dỡ một góc bờ rô xi măng lợp mái ra để lấy ánh sáng. Tuy được một đơn vị tài trợ vài tấm điện mặt trời nhưng đã hư hỏng vào năm 2021. Thế nên, các thiết bị điện là phép màu xa xôi và xa xỉ với người dân Hò Lù. Không có nước ngầm, và là một cao nguyên toàn đá nên đất không giữ được nước, đồng bào Dao đỏ trên đây không trồng được lúa. Ngô là cây lương thực chính cho cả người và vật nuôi. Tận dụng quỹ đất ít ỏi, người dân trồng ngô mỗi năm một vụ, từng hốc đất, từng kẽ đá gắng gượng nuôi sống cả một bản nghèo. Để có nước sinh hoạt, người dân Hò Lù trữ nước mưa vào các thùng, chậu. Đến năm 2023, chính quyền giúp xây dựng một bể chứa nước mưa trong bản nên vấn đề nước sạch phần nào đã được cải thiện.
Một ca phẫu thuật 45’ sẽ giúp cô bé Thủy tìm lại nụ cười, tìm lại tương lai
Có lẽ thứ duy nhất khiến người ta không bỏ quên Hò Lù trên bản đồ hành chính địa phương chính là con đường bê tông độc đạo dài khoảng 6km được bộ đội xây tặng cho bản, vừa vẹn cho một chiếc xe máy đi, dẫn từ đầu bản, luồn lách quanh các sườn núi đá xuống tới thung lũng Xuân Trường bên dưới. Đây cũng chính là con đường mà Diếp địu con xuống núi, từ đó vượt 15 khoanh đèo Khau Cốc Chà, đến thị trấn Bảo Lạc để xuôi về Hà Nội, với hi vọng “biết đâu chữa được cái miệng” cho con.
Sinh ra với dị tật, Thủy không thể ăn uống bình thường như những đứa trẻ khác. Đôi môi chưa lành khiến mẹ Diếp gặp nhiều khó khăn khi cho em ăn cháo hay uống nước, vì em thường xuyên bị sặc. Với nguồn dinh dưỡng chủ yếu đến từ ngô và nước, thật buồn khi hiểu được những lý do tại sao mà hai mẹ con đều còm nhom như thế! Hai mẹ con giống như những cây ngô mọc trên đá, còi cõm, mảnh mai nhưng mạnh mẽ, kiên cường.
Bé Thủy thường xuyên bị sặc khi ăn uống bởi đôi môi dị tật
Ngày 4/6/2024, Thủy được các bác sĩ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cuba phẫu thuật thành công. Với Diếp, Diếp rất vui vì “cái miệng” em đã lành. Từ giờ Diếp sẽ bớt vất vả hơn nhiều khi chăm sóc đứa con nhỏ xinh của mình. Nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn mà hai mẹ con cần kiên cường để vượt qua. Trở về Hò Lù, về quê hương nằm biệt lập giữa vùng đồi núi biên cương Tổ quốc, hi vọng cuộc sống của hai mẹ con trên rẻo cao ấy sẽ bớt khó khăn hơn. Mong trong tương lai, sớm thôi, cuộc sống của đồng bào Dao đỏ Hò Lù sẽ vươn lên như cây ngô có thể lớn lên trên đá, để dứt khỏi cái nghèo đã đeo bám suốt bao thế hệ.
Cùng Operation Smile mang đến nụ cười lành lặn cho những em nhỏ kém may mắn như bé Thủy
Và để giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn như em Thuỷ, trong dự án tháng 9/2024 này, Operation Smile kêu gọi Cộng đồng người dùng Siêu ứng dụng MoMo cùng chung tay quyên góp 200.000.000 đồng để mang lại cơ hội phẫu thuật hở môi, hở hàm ếch cho 20 em nhỏ kém may mắn. Tình yêu thương và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng sẽ giúp thay đổi cuộc đời nhiều em bé như bé Thủy.
Năm 2024 đánh dấu năm thứ 35 Operation Smile hoạt động tại Việt Nam, hãy cùng chúng tôi tiếp sức cho những hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương vùng cao phía Bắc có cơ hội tìm lại nụ cười cho con em mình.
Về Operation Smile Vietnam:
Operation Smile (Phẫu thuật Nụ cười) là một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tập trung vào việc thực hiện phẫu thuật miễn phí cho các trẻ em sinh ra bị dị tật hở môi, hàm ếch và dị tật hàm mặt tại các nước đang phát triển. Trong hơn 35 năm hoạt động tại Việt Nam, tổ chức đã cùng với các tình nguyện viên y tế và phi y tế mang lại dịch vụ khám và điều trị miễn phí cho hơn 75,000 trường hợp, đem lại nụ cười và tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em Việt Nam.