Hiện Bình Thuận có gần 22.000 hộ với 98.000 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 8% dân số toàn tỉnh. Bà con sống tập trung ở 17 xã và 31 thôn xen ghép, chủ yếu là tại các khu vực miền núi, vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn, phụ huynh đi làm thuê làm mướn nhưng thu nhập vẫn còn rất bấp bênh, cũng chỉ đủ để có cái ăn qua ngày, vì thế việc chăm lo cho con cái học hành còn rất nhiều hạn chế.
Một góc thư viện trường khi chưa có Thư Viện Ước Mơ đến
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận, hiện ở cấp Tiểu học, cơ sở vật chất của nhiều trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ giáo viên dạy các môn chuyên vẫn còn thiếu so với yêu cầu. Ngoài ra, quá trình đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh vẫn còn lúng túng và máy móc, chưa đem lại hiệu quả cao.
Các con tại ngày tựu trường
Với tất cả những khó khăn đó, việc duy trì sĩ số của lớp học cũng là một bài toán nan giải dành cho thầy cô, chính quyền địa phương và cả các phụ huynh nơi đây. Sau ngày tựu trường tháng 9 hàng năm, nếu các em chưa đến trường thì giáo viên cùng chính quyền địa phương đến gặp phụ huynh của từng gia đình, nhằm vận động cho con em đến trường. Bởi chỉ trong ba tháng hè, nhiều em đã vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc. một số phụ huynh đã cho con em mình nghỉ học để đi làm, dù mức lương ít ỏi và chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt.
Thế nhưng, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh sẵn sàng bỏ học từ sớm. Thứ nhất là gia đình khó khăn, thứ hai các em học quá yếu dễ dẫn đến chán nản, và cuối cùng là ở đây nhiều khu vực vùng sâu vùng xa, thường xuyên có người môi giới đến để dẫn dắt các em vào thành phố làm thuê. Sau khi nhà trường thông báo về thôn rồi, học sinh đó tên gì, con ai thì thôn có thành lập ban và đi đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân. Một số em đi làm ở Sài Gòn chưa về kịp, các em khác theo cha, mẹ đi làm rẫy ở xa không nhận được thông báo,… nhà trường tiếp tục cùng với chính quyền địa phương đi vận động. Nhưng cái khó là một số phụ huynh còn lơ là việc học của con cái mình và một phần do hoàn cảnh khó khăn.
Hình ảnh Thư viện Ước Mơ hoàn thiện được xây dựng tại các tỉnh thành trước
Thấu hiểu những nỗ lực của thầy cô và khó khăn của các em học sinh, Thư viện ước mơ mong muốn góp sức cùng cộng đồng và chính quyền địa phương mang những thư viện nghệ thuật sáng tạo đầy cảm hứng đến với các em. Như một phần tiếp nối và lan tỏa, sự cộng hưởng của cộng đồng góp phần cho các em được đến gần hơn những giấc mơ và đi xa hơn những gì các em đang nghe, thấy, nói, biết, vững bước bằng tri thức tiến về tương lai.
Dự án Thư Viện Ước Mơ mong muốn được gây quỹ từ Cộng đồng người dùng Siêu ứng dụng MoMo số tiền là 150.000.000 đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng 7 thư viện ước mơ cho các em học sinh tiểu học thuộc vùng sâu vùng xa của Bình Thuận, và các tỉnh miền Trung nắng gió. Dự kiến ngân sách của toàn bộ dự án là 750 triệu đồng, vì vậy chúng tôi còn có 600 triệu đồng được các nhà tài trợ quy đổi từ chiến dịch quyên góp Heo Vàng.
Niềm vui ngày khai trương ở một điểm trưởng với hoạt động sáng tạo nghệ thuật
Chúng tôi rất cần sự chung tay của các tấm lòng nhân ái để cùng xây dựng ước mơ mang tri thức đến với thế hệ Búp Măng Việt Nam. Để tiếp nối 10 năm, 20 năm nữa, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ toàn những công dân sáng tạo toàn cầu với những phẩm chất ưu tú và tương lai của đất nước.
Về Thư Viện Ước Mơ:
THƯ VIỆN ƯỚC MƠ - LIBRARY OF DREAMS - là một dự án THƯ VIỆN SÁNG TẠO dành cho trẻ em Việt Nam ở những vùng còn khó tiếp cận với sách và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo. Dự án do bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp Hội đầu tư thiên thần Đông Nam Á sáng lập năm 2014. Đến năm 2017, dự án được nâng cấp thành doanh nghiệp xã hội Thư viện Ước mơ. Thư viện sáng tạo là nơi nuôi dưỡng trí tưởng tượng, giúp các em tiếp cận với các nguồn tri thức khắp nơi trên thế giới và gieo mầm ước mơ cho các em trở thành những công dân toàn cầu thế kỷ 21.
Tính đến hết tháng Q1’2024, dự án đã xây dựng được hơn 250 thư viện ước mơ, tại hơn 33 tỉnh thành khắp Việt Nam: Bến Tre, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nai, Hà Giang, Hòa Bình, xã đảo Cần Giờ- HCM, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Tháp, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… với số học sinh tiếp cận được sách & các hoạt động nghệ thuật: hơn 120.000 học sinh (khoảng 500 em/trường tiểu học.)
Tâm nguyện dự án nhằm xây dựng 1.000 Thư Viện tác động 1.000.000 học sinh Việt Nam vào 2030.