Chương trình “Học Cùng Em” được xây dựng với mong muốn đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm hỗ trợ các em nền tảng kiến thức cơ bản thông qua mô hình lớp học linh hoạt. Ngoài việc tiếp nhận kiến thức văn hóa phổ thông, các em còn có cơ hội tiếp cận đa dạng dịch vụ bổ trợ đầy ý nghĩa khác như học bổng đồng hành, phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý học đường, trí tuệ cảm xúc nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo dục chất lượng, bền vững và phát triển toàn diện của trẻ.
Chương trình “Học Cùng Em” được xây dựng với mong muốn đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
“Học Cùng Em” là 1 trong 5 chương trình thuộc mô hình Đồng Hành Giáo Dục của Thảo Đàn. Mục tiêu của chương trình:
- Tổ chức các lớp học thêm văn hóa cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có nhu cầu học thêm nhưng gia đình không có khả năng. Trong chương trình “Học cùng em” các em được truyền cảm hứng và tạo động lực học tập, định hướng lộ trình học tập và phát triển lâu dài sau khi tham gia Thảo Đàn. “Học Cùng Em” tổ chức theo 2 mô hình học chính: Học theo nhóm (5-10 em/nhóm) do giáo viên dạy với sự hỗ trợ của trợ giảng. Học 1 kèm 1 với giáo viên hoặc gia sư.
- Với các em học hệ chính quy, chương trình hỗ trợ củng cố kiến thức nền và xây dựng phương pháp học tập để đạt kết quả tốt hơn.
- Với các em học hệ phổ cập (trường tình thương), giáo dục thường xuyên chương trình đồng hành giúp các em ôn và bổ sung các kiến thức bổ trợ để các em có đủ năng lực và tự tin tiếp tục theo học ở các cấp học cao hơn.
- Xây dựng mạng lưới các giáo viên và gia sư có tâm huyết, yêu trẻ mong muốn được đồng hành với nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Chương trình “Học Cùng Em” tạo cơ hội cho tất cả các em không có điều kiện học thêm nhưng luôn khao khát vươn lên trên hành trình tìm đến tri thức.
- Chương trình “Học Cùng Em” sẽ triển khai tiếp trong học kỳ 2 năm học 2023 - 2024 với 30 lớp học đa dạng các môn: Toán, Tiếng Việt, Anh Văn, Lý, Hóa, Kỹ năng sống cho khoảng 50 em mỗi tối hàng tuần tại Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn.
- Đối tượng trẻ em được giúp đỡ là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt (9 nhóm thuộc 14 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật trẻ em 2016), là nhóm trẻ em từ 6 - 18 tuổi học sinh cấp 1, 2, 3 đang theo học chính quy, phổ cập, giáo dục thường xuyên… đang được bảo trợ bởi Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn.
“Học Cùng Em” sẽ triển khai tiếp trong học kỳ 2 năm học 2023 - 2024 cho 50 em mỗi tối hàng tuần
Để chương trình xã hội đầy nhân văn và ý nghĩa này được tiếp tục triển khai, Siêu ứng dụng MoMo kết hợp cùng Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn kêu gọi cộng đồng các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong cả nước cùng chung tay quyên góp số tiền là 34.400.000 đồng. Số tiền sẽ được sử dụng để triển khai các lớp học dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chung tay cùng chương trình “Học Cùng Em" mang đến cho các em học sinh những giá trị về tri thức lớn lao
“Học Cùng Em" là một chương trình mang ý nghĩa cộng đồng to lớn, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, dành cho ngành giáo dục, dành cho các em học sinh và dành cho tương lai của chúng ta. Ngoài gia trị về vật chất, chúng tôi mong muốn mang tới cho các em học sinh những giá trị về tri thức lớn lao. Vì vậy chúng tôi rất cần sự chung tay của bạn, hãy đồng hành cùng chúng tôi trong chiến dịch này nhé!
Về Thảo Đàn:Thảo Đàn là một tổ chức xã hội dân sự được ra đời từ năm 1992 bởi một nhóm “thanh niên tình nguyện” nhằm góp phần chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em đường phố ở TPHCM. Năm 2008 Thảo Đàn được thành lập chính thức theo quyết định số 28/QĐ-UBND-Q3 ngày 24/04/2008 do UBND Quận 3 cấp với tên gọi Cơ Sở Bảo Trợ Xã Hội Thảo Đàn. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ và đồng hành của các nhà tài trợ và các đối tác, Thảo Đàn đã tạo được tác động mạnh mẽ đến nhóm trẻ em đường phố và trẻ em cộng đồng nghèo thông qua việc cung cấp đa dịch vụ chất lượng nhằm tạo cơ hội công bằng để trẻ được sống an toàn và phát triển toàn diện thông qua giáo dục. “Thảo Đàn luôn tin tưởng mạnh mẽ rằng mỗi trẻ em, mỗi người trong cộng đồng đều có tiềm năng to lớn để tạo dựng giá trị cho bản thân, gia đình và cộng đồng của mình để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn.”