Khu vực vùng núi giáp ranh giữa hai huyện Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) từ lâu được biết đến là một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm với những cánh rừng già trên núi đá vôi, núi đất tươi đẹp. Khí hậu á nhiệt đới và địa hình địa chất riêng biệt này là nơi sinh sống của một hệ động thực vật đa dạng, với những cây tùng, bách, thông và phong lan quý hiếm, hay loài Vượn đen má trắng đặc hữu và nguy cấp nằm trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đồng bào H’mông nơi đây có nền văn hóa và sinh kế mang đậm dấu ấn của rừng, từ nghề dệt vải lanh đến những nghi lễ văn hóa truyền thống. Những nét đẹp thiên nhiên và văn hóa độc đáo đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, ngắm rừng và trải nghiệm cuộc sống bản địa mỗi năm, mang lại nguồn thu nhập phụ cho người địa phương, giúp giảm áp lực lên nguồn tài nguyên rừng.
Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp tại khu vực giáp ranh Mai Châu - Vân Hồ
Mặc dù nằm sát khu BTTN Hang Kia – Pà Cò, dải núi đá vôi này không thuộc diện được bảo vệ do diện tích khu bảo tồn được xác định dựa trên ranh giới hành chính thay vì sự liền mảnh của rừng. Thiếu biện pháp bảo vệ, địa hình nơi đây đã và đang bị chia cắt mạnh như một tấm áo rách. Ước tính, gần 200ha rừng nguyên sinh trước đây bị khai phá, khai thác lấy gỗ hay làm cảnh, hoặc lấn chiếm làm nương rẫy. Hiện nay, mặc dù người dân đã nhận thức tốt hơn về việc bảo vệ rừng để duy trì nguồn nước và phát triển du lịch, nhiều mảng rừng bị chia cắt cần rất nhiều thời gian để có thể phục hồi tự nhiên. Với sự hỗ trợ của con người, quá trình phục hồi rừng sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Dải rừng trên núi đá vôi tương quan với Khu BTTN Hang Kia – Pà Cò
Bạn không thể mặc áo rách, rừng cũng vậy. Vì vậy, Ví MoMo phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức chương trình “Vá rừng trên núi đá” với mục tiêu trồng phục hồi rừng trên dải núi đá vôi nối hai huyện Vân Hồ – Mai Châu. Rừng được phục hồi sẽ giúp bảo vệ nguồn nước, giảm nguy cơ sạt lở núi đá, đảm bảo thu nhập từ các hoạt động du lịch sinh thái tại địa phương và duy trì không gian thực hành các nghi lễ văn hóa của đồng bào H’mông. Giống cây trồng lựa chọn là các loài bản địa theo cấu trúc tầng tán rừng và tốc độ phát triển đan xen nhằm đảm bảo thời gian khép tán rừng tự nhiên sớm nhất. Trong dài hạn, chương trình hướng tới kết nối dải rừng tự nhiên này với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò, mở rộng sinh cảnh cho các loài động thực vật quý hiếm, trong đó có loài Vượn đen má trắng.
Chúng tôi mong muốn huy động 100.000.000 VNĐ từ cộng đồng các nhà hảo tâm đang sử dụng ví MoMo. Nguồn vốn kêu gọi được sẽ hỗ trợ nhân giống cây rừng bản địa, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cộng đồng, thiết kế, quản lý và giám sát mô hình phục hồi rừng. Người dân địa phương sẽ đóng góp dụng cụ, nhân công, cũng như chăm sóc và bảo vệ khu vực trồng phục hồi. Hoạt động trồng phục hồi sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 4, tháng 5 năm 2022 khi bắt đầu mùa mưa.
Chung tay cùng đồng bào vùng cao tham gia bảo tồn rừng và thiên nhiên hoang dã
Chương trình rất cần sự chung tay của các bạn cùng hướng tới một tương lai chia sẻ những giá trị chung và đồng phát triển, nơi người dân thành thị và cộng đồng vùng cao cùng tham gia bảo tồn rừng và thiên nhiên hoang dã, nơi những mầm xanh của rừng tái sinh được gieo nên bởi sự chung tay, góp sức của xã hội.
*Chúng tôi sẽ cập nhật thêm thông tin về tiến độ dự án đến quý vị trong thời gian sớm nhất.
Về PanNature: |