Trong suốt 10 năm hành trình bảo tồn các cá thể động vật hoang dã, một trong những điều khiến Save Vietnam’s Wildlife (SVW) chúng tôi cảm thấy được tiếp thêm động lực nhiều nhất chính là khoảnh khắc chúng tôi được chứng kiến các cá thể động vật được an toàn trở về “ngôi nhà” tự nhiên của chúng. Hình ảnh những chú tê tê, cầy, mèo rừng tự do bước vào cánh rừng giúp chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa, để có thể cứu hộ và tái thả nhiều hơn những cá thể động vật hoang dã.
Tuy nhiên, trên hành trình 10 năm này, chúng tôi cũng gặp được “những người bạn”, những cá thể không thể trở về “nhà”, do bị chấn thương hoặc mất đi khả năng tự sinh tồn trong tự nhiên. Vì vậy, để đảm bảo sự sống cho các bạn ấy, SVW đã giữ lại một số cá thể và chăm sóc các bạn đến cuối đời. Và hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ cho các bạn câu chuyện về Meo – một bạn Cầy Vòi Mốc đang được SVW chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ.
Câu chuyện về Meo – bạn Cầy Vòi Mốc bị lạc mẹ được SVW cứu hộ
Meo là một cá thể Cầy Vòi Mốc bị lạc mẹ trong một trận bão lớn tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Khi được các cán bộ kiểm lâm phát hiện và bàn giao cho SVW, Meo chỉ mới dài khoảng 10cm và chưa thể mở được mắt.
Meo là một cá thể Cầy Vòi Mốc bị lạc mẹ trong một trận bão lớn tại Vườn quốc gia Cúc Phương
Kể từ khi được đưa về trung tâm cứu hộ, Meo được chăm sóc và theo dõi sức khoẻ cẩn thận, tỉ mỉ bởi đội ngũ thú y và nhóm chăm sóc động vật tại SVW cho đến khi lớn. Tin rằng động vật hoang dã cần được sống trong môi trường tự nhiên để duy trì những tập tính và bản năng của loài, đội ngũ SVW luôn cố gắng duy trì chăm sóc Meo đúng cách và huấn luyện bạn trong môi trường bán hoang dã với mong muốn có thể tái thả bạn về tự nhiên. Tuy nhiên, do bị tách khỏi mẹ từ nhỏ, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình huấn luyện cho bạn những kỹ năng sinh tồn như săn mồi và tự vệ. Việc động vật hoang dã bị tách khỏi mẹ từ khi còn quá nhỏ sẽ khiến cho việc tái hòa nhập môi trường tự nhiên trở nên vô cùng khó khăn. Không ai có thể thay thế mẹ của chúng trong việc huấn luyện những kỹ năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Mỗi lần chúng tôi thả Meo về rừng, bạn lại tìm lại khu chuồng quen thuộc ngay sau đó. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định giữ Meo lại và chăm sóc đến cuối đời. Và Meo cũng trở thành đại sứ giáo dục của chúng tôi, mang sứ mệnh lan tỏa thông điệp đẹp đẽ về bảo tồn động vật hoang dã.
Meo được chăm sóc và theo dõi sức khoẻ cẩn thận, tỉ mỉ bởi đội ngũ thú y và nhóm chăm sóc động vật tại SVW cho đến khi lớn
Chung tay cùng SVW hỗ trợ bữa ăn hàng ngày và cải thiện môi trường sống cho Meo
Sứ mệnh của SVW là ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt nam thông qua các hoạt động cứu hộ, phục hồi và tái thả. Mặc dù rất mong muốn đưa Meo trở về “ngôi nhà” tự nhiên, chúng tôi quyết định giữ Meo lại trung tâm cứu hộ và chăm sóc bạn. Nhân tuần lễ kỷ niệm ngày Quốc tế về loài Cầy (World Civet Day – 4/4/2024), SVW kêu gọi cộng đồng người dùng Siêu ứng dụng MoMo cùng chung tay quyên góp 30.000.000 đồng để chăm sóc Meo trong vòng 1 năm. Số tiền sẽ được sử dụng để:
- Cung cấp những bữa ăn hàng ngày đầy đủ dinh dưỡng cho Meo
- Mua sắm các nguyên vật liệu làm giàu môi trường sống của Meo, giúp bạn duy trì những kỹ năng và tập tính tự nhiên của loài.
Chung tay gây quỹ chăm sóc Meo - cá thể Cầy Vòi Mốc bị lạc đàn trong 1 năm
Đồng thời, thông qua chiến dịch gây quỹ này, chúng tôi mong rằng có thể lan tỏa đến tất cả mọi người thông điệp tốt đẹp về bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có các bạn cầy như Meo. Hãy yêu thương động vật đúng cách. Nếu bắt gặp các trường hợp động vật hoang dã bị nuôi nhốt và buôn bán trái phép, hãy liên lạc với các cơ quan chức năng để có thể góp phần đưa các bạn động vật về “ngôi nhà” tự nhiên của các bạn.
Về Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW):
SVW là tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập năm 2014 với sứ mệnh ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam.
Kể từ khi thành lập, SVW đã lên kế hoạch và trực tiếp thực hiện nhiều chương trình và dự án bảo tồn dài hạn. Các nguồn lực tài chính và nhân lực của SVW được sử dụng vào “bảo tồn trực tiếp và tại chỗ” bao gồm: Cứu hộ, phục hồi và tái thả động vật hoang dã, Bảo vệ rừng, Nghiên cứu bảo tồn, Sinh sản bảo tồn, Giáo dục và nâng cao nhận thức và Vận động chính sách.