Bạn có biết? Thức ăn mà chúng ta ăn, quần áo mà chúng ta mặc, nhà cửa mà chúng ta ở, thuốc chữa bệnh mà chúng ta dùng, rồi nước chúng ta uống hàng ngày, không khí chúng ta đang thở từng giây từng phút, phần nhiều đều do rừng tạo ra? Chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và màu xanh của những cánh rừng.
Rừng không chỉ là lá phổi xanh điều hoà khí hậu, giảm nhẹ tác động thiên tai; mà còn là mái nhà của nhiều loài động thực vật hoang dã; cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái như nước, thực phẩm, dược liệu… cho cộng đồng địa phương. Thế nhưng, “rừng vàng” của chúng ta đang dần mất đi do các hoạt động phát triển của con người. Khi diện tích rừng - lá chắn tự nhiên bị thu hẹp, hàng loạt động thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, những người dân bản địa cũng dần mất đi sinh kế và sự kết nối với rừng, thành thị ngày càng nắng nóng và ô nhiễm hơn.
Dải núi đá vôi Tây Bắc giữa 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La là nơi trời và đất gặp nhau, mây phủ bốn mùa trên những đỉnh núi với những cánh rừng già từ ngàn xưa, nơi có những cây thông sừng sững trên vách đá, những cây phong lan khoe sắc thắm rực rỡ, nơi chim rừng vang ca, vượn hót mỗi buổi sáng sớm khi mặt trời thức giấc. Đó cũng là nơi ngọn nguồn của những dòng sông Đà, sông Hồng chảy xuôi về biển, nuôi sống con người hàng ngàn năm nay trên vùng châu thổ Bắc Bộ. Và cũng là quê hương của đồng bào người Mông, người Mường, người Thái với bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời và độc đáo. Gìn giữ, phát triển rừng ở đây là gìn giữ, phát huy tất cả những giá trị đó.
Với hơn 18 năm triển khai các hoạt động dự án bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng ở Tây Bắc, PanNature trân trọng, cảm nhận rõ vẻ đẹp, giá trị và tầm quan trọng của rừng. Chúng tôi cũng hiểu rằng giữ rừng không phải là giữ cho người dân địa phương, trách nhiệm phục hồi rừng cũng không chỉ của người đân địa phương mà đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Vì vậy để đóng góp cho những nỗ lực xanh lại những cánh rừng, Giving Lunch cùng PanNature mong muốn gây quỹ 500.000.0000 đồng từ các nhà hảo tâm để triển khai chương trình Rừng xanh lên nhằm phục hồi 50 ha rừng (trong tổng số hơn 500 ha rừng cần được phục hồi) thuộc hành lang rừng tự nhiên trên núi đá vôi nối giữa Hòa Bình và Sơn La vào tháng 5 - tháng 6 năm 2024 khi mùa mưa bắt đầu.
Bạn có thể tham gia chương trình Rừng xanh lên cùng Giving Lunch và PanNature bằng phương thức “Đấu giá bữa trưa”. Người tham gia sẽ sử dụng phương thức này để mời cộng đồng đấu giá cho bữa ăn cùng mình. Theo đó, người tham gia sẽ quyết định thời gian, số tiền đấu giá khởi điểm và bước tăng thấp nhất của chương trình. Cuối cùng số tiền đấu giá sẽ được quyên góp cho chương trình Rừng xanh lên để mua/nhân giống cây rừng bản địa, chuẩn bị diện tích trồng, trồng, chăm sóc và giám sát quá trình hồi phục rừng 3 năm sau khi trồng.
Giống cây trồng lựa chọn là các loài bản địa như: dổi, trám, dâu da… dựa theo cấu trúc tầng tán rừng và tốc độ phát triển đan xen nhằm đảm bảo thời gian khép tán rừng tự nhiên sớm nhất. Người dân địa phương sẽ được tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc, theo dõi tỉ lệ sống của cây và thực hiện trồng dặm rừng trong 3 năm đầu sau khi trồng để đảm bảo diện tích rừng đã trồng được phục hồi hoàn toàn. Sự tham gia của người dân vừa giúp đảm bảo sự thành công của chương trình phục hồi rừng vừa thể hiện sự cam kết của cộng đồng địa phương trong việc duy trì và phát triển các nguồn tài nguyên rừng quý báu.
Ngoài ra, chương trình còn triển khai hoạt động "Cùng em gieo hạt" nhằm kết nối các em học sinh tham gia vào nỗ lực phục hồi rừng. Trong đó, học sinh các trường học quanh khu vực được khuyến khích cùng bố mẹ và gia đình thu lượm hạt cây rừng để đổi lấy đồ dùng học tập, tham gia vào quá trình nặn và rải bom hạt phục hồi rừng. Hoạt động này vừa góp phần phục hồi rừng, vừa giúp xây dựng nhận thức về bảo tồn rừng, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, tình yêu rừng cho thế hệ trẻ.
Rừng xanh lên không chỉ là hành trình phục hồi rừng mà còn là một bước đi lớn trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên. Chúng tôi tin rằng, chương trình sẽ tạo ra những thay đổi tích cực nâng cao chất lượng rừng, chất lượng cuộc sống cho cộng đồng sống gần rừng và những người dân thành thị trên khắp Việt Nam, vì vậy chúng tôi rất cần sự chung tay của Quý vị. Mỗi khoản đấu giá, dù có bất cứ giá trị nào cũng là đóng góp vô cùng đáng quý để chúng tôi có thể triển khai thực hiện chương trình.
*Sau khi hoàn thành đấu giá, số tiền đấu giá cao nhất của mỗi người sẽ được gửi về PanNature để triển khai chương trình “Rừng xanh lên”. Tiến độ của sau dự án sẽ được chúng tôi cập nhật tới Quý vị trong thời gian sớm nhất.
Về Giving Lunch:
Giving Lunch là phong trào thiện nguyện cộng đồng, dưới hình thức đấu giá bữa trưa nhằm quyên góp cho hoạt động xã hội. Người tham gia (Host) sẽ mời cộng đồng đấu giá cho bữa ăn cùng mình, nhằm quyên góp cho hoạt động xã hội mà Host ủng hộ. Giving Lunch làm việc với các tổ chức thiện nguyện uy tín để mang lại các dự án quyên góp có sức ảnh hưởng và minh bạch. Không chỉ vậy, Giving Lunch còn giúp những mối quan hệ lỏng lẻo trên mạng xã hội thành cơ hội gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, đồng thời mang lại nhiều tác động tích cực cho cuộc sống người Việt Nam.
Về PanNature:
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập, thành lập từ năm 2004, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường. PanNature chọn đặt văn phòng hiện trường tại Vân Hồ từ năm 2015, bởi vì đây là khu vực nhạy cảm về đa dạng sinh học (kết nối giữa hai Khu BTTN Hang Kia Pà Cò và Khu BTTN Xuân Nha) và là nơi sinh sống của đa dạng các cộng đồng người dân tộc địa phương nhưng đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Tại Sơn La, PanNature đã triển khai nhiều hoạt động dự án theo các cách tiếp cận nhiều chiều, tới nhiều đối tượng khác nhau nhằm phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của người dân chẳng hạn như dự án bảo tồn Vượn đen má trắng, dự án phục hồi rừng, dự án làng nông nghiệp thích ứng BĐKH, dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong nông nghiệp, dự án nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong kinh tế hộ gia đình…
Với Chương trình phục hồi rừng này vai trò của PanNature sẽ là:
- Đơn vị xây dựng kế hoạch trồng và phục hồi rừng
- Đơn vị phụ trách về kỹ thuật (đo đạc, tính toán khu vực trồng), chuyên môn (lựa chọn loại cây trồng, cách thức trồng)
- Đơn vị kết nối với chính quyền địa phương, kiểm lâm, trường học, người dân
- Đơn vị truyền thông, kết nối báo chí địa phương và trung ương.
- Đơn vị xây dựng báo cáo hoạt động
- Đơn vị theo dõi đánh giá cho từng hoạt động cụ thể theo mốc thời gian (chẳng hạn: hoạt động thực địa đánh giá tỉ lệ cây sống sau khi trồng)
Thông tin liên hệ:
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)
- Thông tin liên lạc: NV 31 Khu đô thị mới Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
- Điện thoại: 024 3556 4001
- Email: [email protected]