Đồng sáng lập MoMo “hiến kế” phát triển hệ sinh thái công nghệ số Việt Nam

Đồng sáng lập MoMo “hiến kế” phát triển hệ sinh thái công nghệ số Việt Nam

Thông cáo
13/12/2022·4.4K

Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ IV diễn ra vào ngày 8/12/2022 vừa qua, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo đã có phần tham luận với chủ đề “Giải pháp số trong hệ sinh thái tài chính Việt Nam”. Ngoài chia sẻ hành trình của siêu ứng dụng MoMo trong việc thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, lãnh đạo MoMo cũng bày tỏ nguyện vọng thông qua những đề xuất để phát triển hơn nữa hệ sinh thái tài chính số Việt Nam.

Theo ông Diệp, chuyển đổi số của xã hội không chỉ phát triển ở thượng tầng mà phải “từ dưới đi lên”. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 5 triệu doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, là các tiểu thương, sử dụng phần lớn lực lượng lao động  trong xã hội. 

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo tại Diễn đàn ngày 8/12/2022.

MoMo hiện đang cung cấp nhiều giải pháp cho doanh nghiệp quy mô khác nhau. Với tiểu thương họ rất quan tâm giải pháp là gì, có tốn chi phí không, hiệu quả không, do đó, chúng tôi cung cấp giải pháp đơn giản nhất là thanh toán bằng QR Code, tích hợp dễ dàng, miễn phí. Ở mức độ cao hơn, nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, chúng tôi cũng có giải pháp cùng với Nhanh.vn cung cấp dịch vụ quản lý kinh doanh, tiếp thị đa nền tảng. Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B (kinh doanh nhà hàng, ăn uống) muốn có giải pháp trọn gói từ quản lý, vận hành thì chúng tôi cũng phối hợp với iPOS.vn để cung cấp giải pháp. Đối với doanh nghiệp lớn, quy mô lớn hơn, đã có ứng dụng hay website riêng, MoMo cũng có nền tảng Mini App, cho phép nhúng trực tiếp nền tảng của họ vào nền tảng của MoMo. Từ đó tiếp cận hơn 31 triệu người dùng MoMo, triển khai các chương trình ưu đãi, tương tác với khách hàng ngay trên nền tảng MoMo. 

“Nếu chúng ta có thể chuyển đổi số được nhóm doanh nghiệp này thì sẽ tác động rất tích cực đến chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội”, ông Diệp nói.

Sinh ra với sứ mệnh thúc đẩy tài chính toàn diện, MoMo mong muốn dùng công nghệ để giúp người dân tiếp cận dịch tài chính dễ dàng, đơn giản với chi phí thấp nhất. 

“Hầu hết mọi người nghĩ đến MoMo là chỉ có thanh toán. Tuy nhiên nếu một ứng dụng chỉ để thanh toán thì sẽ khó phát triển ở thị trường Việt Nam”, lãnh đạo MoMo nói và cho biết thêm, “MoMo hiện đã trở thành Super App, cung cấp gần như tất cả sản phẩm cần thiết cho cuộc sống của người Việt. Khách hàng của MoMo có thể dùng MoMo cho tất cả hoạt động chuyển tiền, thanh toán, mua sắm các dịch vụ: ăn uống, đi lại, giải trí, du lịch, khách sạn, quyên góp và đặc biệt là các dịch vụ tài chính, bảo hiểm,…” 

Cụ thể, trong thời gian đại dịch Covid-19, MoMo phối hợp với TPBank để triển khai sản phẩm Ví Trả Sau, như một thẻ tín dụng “ảo”, giúp người trước giờ chưa bao giờ tiếp cận dịch vụ tài chính, giải quyết nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Chỉ sau 1 thời gian ngắn ra mắt, đã có hàng triệu người sử dụng sản phẩm này với giá trị giải ngân hàng nghìn tỷ đồng. 70% người sử dụng Ví Trả Sau là người chưa có lịch sử tín dụng, chưa có giao dịch ngân hàng trước đó, không thể chứng minh thu nhập hoặc không có thu nhập ổn định như sinh viên, công nhân, lao động tự do, tiểu thương, hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề không chỉ riêng Việt Nam mà còn cả thế giới là khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng lớn. Sự khác biệt giữa giàu và nghèo là người giàu đầu tư, gia tăng thu nhập từ chính thu nhập của họ. “Thế thì người nghèo làm sao để đầu tư được, đó là câu hỏi chúng tôi luôn suy nghĩ”, vị lãnh đạo nói.

Thông qua dịch vụ mua bán chứng chỉ quỹ hợp tác với các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, MoMo giúp người thu nhập thấp vẫn có thể đầu tư từ 10.000 đồng. Thao tác giao dịch đơn giản và hoàn toàn miễn phí, tự động hóa hoàn toàn (không cần đến quầy giao dịch để đăng ký mở tài khoản giao dịch như truyền thống). Trong vài tháng triển khai sản phẩm này, lượng khách hàng đầu tư đã nhiều hơn tổng số tài khoản nhà đầu tư chứng chỉ quỹ của toàn thị trường trong nhiều năm trước đó. 

Không chỉ vậy, MoMo còn là nền tảng thiện nguyện số lớn nhất Việt Nam. Thông qua nền tảng này, đã có hơn 8,2 triệu người tham gia đóng góp cho các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Từ thiện không chỉ là việc của người giàu mà là tất cả chúng ta, những người có tấm lòng. Mỗi người chỉ cần 1.000 đồng nhưng có hàng chục triệu người cùng đóng góp thì có thể thay đổi rất nhiều số phận và cuộc đời một người. Trong hơn 3 năm qua, MoMo đã kết nối với hơn 36 tổ chức bao gồm chính phủ, phi chính phủ,... huy động số tiền quyên góp hơn 167 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp đỡ được hơn 223.000 cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà chống lũ, hỗ trợ tiền tuyến chống Covid-19,...

MoMo hiện có hơn 2.000 nhân sự trong đó một nửa là kỹ sư công nghệ. 

Với những giải pháp, công nghệ nỗ lực giải quyết bài toán thực tế của cuộc sống, MoMo đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển thanh toán không tiền mặt và nền kinh tế số. 

Khép lại phần chia sẻ, ông Diệp nêu các đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử, chính phủ số. Ông nói: "Đổi mới là sáng tạo ra các mô hình chưa bao giờ có. Vì thế, cần có các cơ sở pháp lý phù hợp để doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó cần thu hút lượng nhân lực lớn trong và ngoài nước thông qua các ưu đãi cho họ. MoMo cũng mong muốn các doanh nghiệp cổ phần tư nhân có thể tham gia dự án chính phủ, thử nghiệm lớn, tạo điều kiện xã hội số phát triển hơn nữa".

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, tại Lễ công bố và vinh danh Sản phẩm số xuất sắc Make in Viet Nam 2022, MoMo nhận cú đúp giải thưởng khi đạt giải Bạc hạng mục Chính phủ số và Top 10 hạng mục Kinh tế số.

Xem thêm bài viết tại đây:
Siêu ứng dụng nhận cú đúp ‘Make in Viet Nam’ nhờ giải bài toán thanh toán và chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp Việt

Về Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số (VFTE 2022)
Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 xoay quanh chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu". Lần thứ tư tổ chức, VFTE 2022 hướng tới thúc đẩy quá trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu kép: phát triển đồng bộ ba trụ cột - Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, với ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022; và triển lãm giải pháp số Make in Viet Nam tiêu biểu.

Xem thêm thông tin hữu ích của diễn đàn tại đây. 

Đánh giá :
5
/0

Ưu đãi nổi bậtƯu đãi nổi bật