Huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, là một khu vực ven biển có ý nghĩa đặc biệt. Nơi đây hội tụ hệ sinh thái đa dạng như rừng ngập mặn, đất ngập nước ven biển và vùng biển nông, không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học mà còn cung cấp nguồn sống thiết yếu cho hàng nghìn người dân địa phương. Tuy nhiên, vùng ven biển Nghĩa Hưng đang đối mặt với nhiều thách thức do suy thoái môi trường sống, biến đổi khí hậu, và hệ quả do các hoạt động khai thác thủy sản không bền vững từ nhiều năm trước.
Những điều đó biến thành nguy cơ đẩy nhiều ngư dân vào hoàn cảnh khó khăn. Nam giới thường đảm nhiệm công việc đánh bắt xa bờ, trong khi phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong chế biến, nuôi trồng và buôn bán hải sản. Khi nghề biển gặp khó khăn, nhiều hộ gia đình phải tìm kiếm các nguồn thu nhập thay thế. Bên cạnh đó, các cộng đồng ven biển còn đối mặt với rủi ro thiên tai như bão, xói lở và nước biển dâng. Sự cạn kiệt tài nguyên biển càng gia tăng áp lực, đe dọa sinh kế và làm giảm khả năng thích ứng của người dân. Đồng thời, hạn chế về tài chính, công nghệ và kỹ thuật khiến việc tiếp cận các phương pháp khai thác và nuôi trồng bền vững trở nên khó khăn hơn.
Các cộng đồng ven biển còn đối mặt với rủi ro thiên tai như bão, xói lở và nước biển dâng
Trước những thách thức đầy khó khăn đó, để thực hiện mục tiêu phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Nam Định nói chung và huyện Nghĩa Hưng nói riêng đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng tập trung đầu tư, huy động nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa phát triển cơ sở hạ tầng thủy sản. Thành lập thêm các tổ, đội, tổ hợp tác khai thác thủy sản. Cơ cấu nghề khai thác chuyển đổi theo hướng phát triển các nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tổ chức 4 lớp tập huấn với 815 ngư dân và cán bộ làm công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) các huyện ven biển tham gia. Phát 815 bộ tài liệu tuyên truyền gồm: sổ tay đi biển cho ngư dân. Sổ tay một số điều ngư dân cần biết trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Trước nỗ lực của các ban ngành, cộng đồng ngư dân và những thách thức cấp bách của hiện trạng vùng ven biển tại huyện Nghĩa Hưng; dự án "Cùng Nuôi Biển" được PanNature xây dựng với mục tiêu góp phần khôi phục hệ sinh thái ven biển và thúc đẩy nghề cá bền vững tại nơi đây. Những sáng kiến trong dự án “Cùng Nuôi Biển” không chỉ góp phần hồi sinh nghề cá và khôi phục sức khỏe hệ sinh thái ven biển, mà còn tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng trước các cú sốc môi trường và kinh tế. Dự án lấy mục tiêu khôi phục hệ sinh thái biển khỏe mạnh và bảo vệ rừng ngập mặn làm trọng tâm, đồng thời mang lại sinh kế bền vững cho hàng nghìn hộ gia đình ngư dân. Đây là bước đi lâu dài và toàn diện để xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững.
Dự án lấy mục tiêu khôi phục hệ sinh thái biển khỏe mạnh và bảo vệ rừng ngập mặn và mang lại sinh kế bền vững cho ngư dân
Trong đợt gây quỹ lần này, dự án “Cùng Nuôi Biển” mong muốn gây quỹ 400.000.000 đồng từ cộng đồng người dùng nhân ái khắp cả nước và đặc biệt là người dùng Siêu ứng dụng MoMo. Để chung tay cùng chúng tôi trong dự án bền vững này, người tham gia sẽ sử dụng phương thức “Đấu giá bữa trưa" để mời cộng đồng đấu giá cho bữa ăn cùng mình. Theo đó, người tham gia sẽ quyết định thời gian, số tiền đấu giá khởi điểm và bước tăng thấp nhất của chương trình. Cuối cùng số tiền đấu giá sẽ được quyên góp cho dự án “Cùng Nuôi Biển” để triển khai giải pháp “Thẻ Xanh Ngư Dân” để thúc đẩy chuyển đổi đánh bắt bền vững thông qua các hoạt động:
- Cấp Thẻ Xanh Ngư Dân: Chứng nhận "Thẻ Xanh" được cấp cho ngư dân cam kết từ bỏ các phương tiện đánh bắt hủy diệt, thay vào đó sử dụng lưới mắt lớn và các phương pháp đánh bắt thân thiện với môi trường. Thẻ Xanh giúp ngư dân tiếp cận hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản bền vững.
- Hỗ trợ công cụ và kỹ thuật đánh bắt thủy hải sản bền vững: Cung cấp lưới mắt lớn, bẫy cá phù hợp với môi trường và tổ chức các khóa tập huấn phương pháp đánh bắt bền vững cho ngư dân.
- Truyền thông cộng đồng: Chia sẻ câu chuyện của ngư dân chuyển đổi thông qua video, hình ảnh thực tế để truyền cảm hứng cho cộng đồng và kêu gọi trách nhiệm bảo vệ biển. Tổ chức các sự kiện truyền thông kết nối doanh nghiệp và công chúng vào hành trình bảo vệ đại dương.
- Kết nối Thủy sản xanh - Bàn ăn xanh: Kết nối ngư dân "Thẻ Xanh" với các nhà hàng và cửa hàng thủy sản tiêu thụ sản phẩm bền vững. Khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn thủy sản bền vững thông qua ưu đãi khi tham gia chương trình.
- Giám sát và đánh giá minh bạch: Theo dõi kết quả chương trình thông qua báo cáo thực tế từ ngư dân, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Chương trình hướng tới việc khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái biển, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái ven bờ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học và sinh kế của ngư dân. Bằng cách thúc đẩy các phương pháp đánh bắt bền vững và kết nối với thị trường tiêu thụ xanh, chương trình không chỉ cải thiện thu nhập mà còn tạo cơ hội phát triển dài hạn cho ngư dân. Đồng thời, chương trình khuyến khích sự tham gia của công chúng và doanh nghiệp, tạo nên sự đồng hành trách nhiệm và hiệu quả trong hành trình bảo vệ đại dương.
Chương trình khuyến khích sự tham gia của công chúng và doanh nghiệp, tạo nên sự đồng hành trách nhiệm và hiệu quả trong hành trình bảo vệ đại dương
*Sau khi hoàn thành đấu giá, số tiền đấu giá cao nhất của mỗi người sẽ được gửi về PanNature để triển khai dự án “Cùng Nuôi Biển” tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tiến độ của sau chương trình sẽ được chúng tôi cập nhật tới Quý vị trong thời gian sớm nhất.
Về Giving Lunch:
Giving Lunch là phong trào thiện nguyện cộng đồng, dưới hình thức đấu giá bữa trưa nhằm quyên góp cho hoạt động xã hội. Người tham gia (Host) sẽ mời cộng đồng đấu giá cho bữa ăn cùng mình, nhằm quyên góp cho hoạt động xã hội mà Host ủng hộ. Giving Lunch làm việc với các tổ chức thiện nguyện uy tín để mang lại các dự án quyên góp có sức ảnh hưởng và minh bạch. Không chỉ vậy, Giving Lunch còn giúp những mối quan hệ lỏng lẻo trên mạng xã hội thành cơ hội gặp gỡ và trao đổi trực tiếp, đồng thời mang lại nhiều tác động tích cực cho cuộc sống người Việt Nam.
PanNature:
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập, thành lập từ năm 2004, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh phục hồi hệ sinh thái rừng, PanNature hiện đang mở rộng sang các hoạt động phục hồi hệ sinh thái tại các khu vực ven biển và vùng đất ngập nước. Đây là những khu vực có ý nghĩa sinh thái to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo sinh kế cho cộng đồng, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với tầm nhìn dài hạn, PanNature cam kết đồng hành cùng các đối tác, cộng đồng, và các bên liên quan để xây dựng một tương lai bền vững hơn cho con người và thiên nhiên vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững.
Với dự án “Cùng Nuôi Biển”, vai trò của PanNature sẽ là đơn vị:
- Huy động tài chính và sự tham gia của cộng đồng
- Tổ chức và triển khai dự án, cấp "Thẻ Xanh" cho ngư dân địa phương
- Theo dõi giám sát và báo cáo kết quả dự án
- Hỗ trợ kỹ thuật nhằm thúc đẩy việc sử dụng phương pháp đánh bắt thân thiện với môi trường.
- Kết nối ngư dân "Thẻ Xanh" với các nhà hàng và cửa hàng thủy sản tiêu thụ sản phẩm bền vững
- Truyền thông về dự án tới cộng đồng địa phương và công chúng
Thông tin liên hệ:
- Tên tổ chức: Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)
- Thông tin liên lạc: NV 31 Khu đô thị mới Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội / Điện thoại: 024 3556 4001 / Email: [email protected]
- Người đại diện của tổ chức: Ông Trịnh Lê Nguyên - Giám Đốc / Email: [email protected] / Điện thoại: 0243556 4001 (máy lẻ 102)
- Cán bộ phụ trách hoạt động Giving Lunch: Chị Tô Bích Ngọc - Cán bộ truyền thông/ Email: [email protected] - ĐT: 0936781289