Thú vị phong tục lì xì đầu năm ở các nước
Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực cũng có tục Lì xì đầu năm. Tuy nhiên, mỗi nước đều có những nét đặc trưng riêng bên cạnh những điểm chung của lì xì là cầu chúc may mắn.
Việt Nam
Việt Nam chúng ta Tết Nguyên Đán là một trong những kỳ nghỉ lớn của năm. Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền vẫn còn được gìn giữ, trong đó lì xì là điển hình. Vào ngày đầu tiên của năm, cả người lớn và em bé đều diện áo mới đi chúc Tết họ hàng. Sau đó, người lớn sẽ lì xì cho các đứa trẻ với thông điệp chúc may mắn, chăm ngoan, học giỏi. Ngày nay, tục lì xì ở Việt Nam còn được mở rộng theo hướng con cái lì xì mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Đây là một phong tục mang tính nhân văn và ngày càng được phát huy.
Vì sao phải lì xì ngày Tết và có những tục lệ không phải ai cũng biết?
Phong tục lì xì của Việt Nam
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, lì xì được gọi là Otoshidama. Khác với các nước, số tiền lì xì của người Nhật lại phụ thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ, mối quan hệ của gia đình. Phong bao lì xì Otoshidama thường có màu trắng chứ không phải phổ biến màu đỏ như những nước khác. Điều đặc biệt của tục lì xì ở Nhật Bản là phong bao luôn được dán kín tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì. Hơn thế, tên của người nhận lì xì sẽ được ghi trên bao lì xì để thể hiện sự tôn trọng với người được nhận. Thông điệp của mỗi phong bao lì xì là lời chúc một năm mới ấm áp, an lành và gặp nhiều may mắn.
Phong bao lì xì của người Nhật
Hàn Quốc
Lì xì ở Hàn Quốc được gọi là Sabae. Vào ngày đầu năm mới, những đứa trẻ trong gia đình với trang phục truyền thống thực hiện nghi lễ cúi lạy các bậc tiền bối nhằm tỏ lòng biết ơn sinh thành, dưỡng dục. Sau nghi lễ này các đứa trẻ sẽ được nhận lì xì kèm với lời chúc mạnh khỏe và bình an trong năm mới. Lì xì ở Hàn Quốc đa dạng hơn các nước khác, không chỉ có tiền mà còn là vàng, ngọc, đá quý…
Phong tục Lì xì của Hàn Quốc
Singapore
Người Hoa ở Singapore rất coi trong ngày Tết cổ truyền. Phong tục lì xì họ thường chú trọng vào việc tặng lì xì cho cha mẹ, ông bà hoặc người thân. Ngoài tiền mặt, người Singapore cũng thường tặng lì xì bằng ngân phiếu, ngân lượng, voucher hoặc bữa ăn có đầy đủ các thành viên trong gia đình.
Phố bán phong bao lì xì của người Hoa ở Singapore
Trung Quốc
Phong tục lì xì của Trung Quốc được gọi là “Hongbao”. Người Trung Quốc rất thích màu đỏ nên bao lì xì luôn luôn là màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. Số tiền trong bao lì xì của người Trung Quốc phải tránh con số 4 và được dán kín. Những đứa trẻ sau khi nhận được lì xì không mở ra ngay mà phải để tất cả dưới gối sau đó khoảng 1 tuần mới được mở ra. Ý nghĩa của việc làm này là để các bao lì xì bảo vệ các đứa trẻ khỏi những điều xấu có thể xảy ra trong năm mới. Đây cũng là nguồn gốc sâu xa của phong tục lì xì theo truyền thuyết của người Trung Quốc.
Phong bao lì xì của người Trung Quốc phải là màu đỏ
Malaysia
Những người Malaysia theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al - Fitr của người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây. Điều thú vị của người Hồi giáo là họ chuẩn bị sẵn các phong bao lì xì màu xanh lá cây để tặng cho bất cứ vị khách nào đến chúc mừng trong ngày Tết Eid al - Fitr.
Màu đặc trưng của phong bao lì xì Malaysia
Đài Loan
Điểm đặc biệt của người Đài Loan trong tục lì xì là số tiền phải luôn chẵn. Bởi theo người Đài Loan, số chẵn nghĩa là cát tường. Thêm vào đó, theo người Đài Loan tiền trong lì xì phải là tiền mới vì theo họ năm mới tất cả phải mới.
Người Đài Loan lì xì phải là tiền chẵn
Dù mỗi nước có cách lì xì không giống nhau và có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng cơ bản phong tục lì xì là nhằm gửi gắm lời chúc bình an trong năm mới. Chúng ta nên gìn giữ nét đẹp văn hóa này đừng để lì xì biến tướng theo mục đích quá thực tế về vật chất.