Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh Toán (NHNN) tổ chức dưới sự chỉ đạo nội dung. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2020”.
Hội thảo năm nay có sự tham gia của ông Nguyễn Kim Anh (Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), ông Phạm Tiến Dũng (Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Việt Nam), ông Phạm Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), ông Phạm Đức Hải (Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM), Ông Nguyễn Việt Dũng (PCT Hiệp hội TMĐT); Và ông Lê Thế Chữ (Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ). Ngoài ra, Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu là lãnh đạo của Ngân hàng, Trung gian thanh toán và các doanh nghiệp Thương mại điện tử hàng đầu.
“Ủng hộ nông sản Việt” - Minh chứng sống động của việc dùng công nghệ và sức mạnh cộng đồng để làm việc tốt
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng hệ sinh thái số, nền tảng thiết yếu để phát triển xã hội không tiền mặt
Đại diện Ví MoMo, ông Nguyễn Bá Diệp (Phó Chủ tịch, đồng sáng lập) đã tham gia phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Hệ sinh thái số: Chuyển đổi số, thanh toán không tiền mặt và nhu cầu tất yếu của xã hội”. Ngồi phiên thảo luận, ngoài ông Nguyễn Bá Diệp còn có sự tham gia của ông Nguyễn Anh Đức (Tổng Giám đốc Saigon Co.op), ông Lê Thành Trung (Phó TGĐ Ngân hàng HDBank), ông Nguyễn Hữu Phúc (GĐ PTSP Visa Việt Nam – Lào), ông Ngô Anh Tuấn (Giám đốc Kinh doanh VNPay) và bà Nguyễn Thị Thúy Bình (Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet).
Kết quả ấn tượng của chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” (do Báo Tuổi Trẻ - Ví MoMo - Saigon Co.op phối hợp tổ chức) với hơn 21 TẤN Vải thiều Lục Ngạn bán ra trong vòng 2 ngày đầu đã nhận được sự đánh giá cao của đại diện các lãnh đạo Nhà nước và liên tục được dẫn chứng như một ví dụ điển hình cho sự thành công trong việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán xã hội.
Trả lời câu hỏi của người điều phối: Từ thành công của chương trình “Ủng hộ nông sản Việt”, trong việc hợp tác với Saigon Co.op triển khai bán vải giúp nông dân. Những bài học Ví MoMo rút ra được là gì?
Ông Nguyễn Bá Diệp (Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo) cho biết, con số ấn tượng của chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” không phải trong một sớm một chiều mà là kết quả được tính bằng năm của chuỗi ngày nỗ lực không ngơi nghỉ để tạo ra giá trị cho người dùng. Các rào cản mà Ví MoMo gặp phải chỉ thực sự được giải quyết và chứng kiến sự thay đổi của thị trường khoảng 3 năm gần đây.
"13 năm của MoMo thì trong 10 năm đầu chúng tôi rất khó khăn, người tiêu dùng không quen và không muốn sử dụng dịch vụ. Nhưng đến nay chúng tôi đã xây dựng được hệ sinh thái giúp mang lại cho người dùng nhiều giá trị hơn, giúp Ví MoMo có những chương trình đột phá và mang tính nhân văn hơn", ông Diệp cho biết.
Chia sẻ về “bí quyết” thành công của Ví MoMo, ông Diệp nhấn mạnh: “Chúng tôi quan niệm sản phẩm công nghệ muốn thành công thì phải hội đủ 2 yếu tố: Thứ nhất và cũng là quan trọng nhất là sản phẩm đó phải chạm được trái tim người dùng. Họ có thương thì sản phẩm của mình mới sống ‘bền’ được”.
Yếu tố thứ hai, theo ông Diệp cũng quan trọng không kém đó là phải tập trung phát triển hệ sinh thái rộng khắp, bao phủ, phục vụ được người dùng 24/7. Sau khi đã có được hệ sinh thái thì các thánh tố trong hệ sinh thái cần có sự kết hợp, hợp tác cùng nhau để tạo thêm nhiều giá trị cộng hưởng cho người dùng và cộng đồng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức (Tổng Giám đốc Saigon Co.op) cho biết, kết hợp cùng Ví MoMo để thực hiện chương trình này là một ý tưởng táo bạo và thành công hơn kỳ vọng. Theo ông Đức chương trình này không chỉ mang tính thời điểm, không chỉ là với sản phẩm vải hay gạo mà còn sẽ đi cùng với các chính sách vĩ mô khách của nhà nước liên quan đến kích cầu, đến nhu cầu của từng địa phương với các sản phẩm nông sản đặc trưng, giúp giải quyết các vấn đề lớn hơn của xã hội.
“Khi chúng ta nói thanh toán không dùng tiền mặt thì nó đã không còn giới hạn ở mặt địa lý, chính vì vậy những sản phẩm ở mọi miền đất nước cũng sẽ không có địa lý để lan tỏa., thậm chí là ra cả thị trường quốc tế. Mong muốn của chúng tôi là duy trì chương trình không chỉ thời gian ngắn mà sẽ tính bằng năm”, ông Đức nói.
“Bài học đầu tiên chúng tôi rút ra là việc áp dụng triệt để cả 3 trụ cột mà NHNN đề ra trong việc phát triển TTKDTM tại Việt Nam (gồm: Hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính (hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán) và truyền thông - PV). Bài học thứ 2, là cách nghĩ ‘out of the box - vượt qua giới hạn’ tìm kiếm những cách làm mới, đột phá trên nền tảng sẵn có. Chắc chắn với cách làm, cách suy nghĩ này sẽ tạo nên những bước nhảy vọt trong thanh toán không tiền mặt” Ông Đức tin tưởng.
Phó Thống đốc NHNN: Tương lai của một xã hội không tiền mặt sẽ không quá xa trước sự đồng lòng của toàn xã hội
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh (Phó Thống đốc NHNN) cho biết, chương trình Ngày không tiền mặt năm nay đánh dấu 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ. Đây không những là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của thanh thanh toán không dùng tiền mặt mà còn là để ngành Tài chính – Ngân hàng cùng với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục và hướng tới các mục tiêu mới trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Bá Diệp (Ví MoMo) và ông Nguyễn Anh Đức (Saigon Co.op) giới thiệu về chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” đến Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh
Điểm qua tình hình chung của thanh toán điện tử, ông Phạm Tiến Dũng (vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN) cho biết, những tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử từ đó đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm hiện tại có khoản 88,5 triệu tài khoản ngân hàng - chiếm 63,7% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Thanh toán không tiền mặt cũng gia tăng rất mạnh. Riêng hệ thống thanh toán của NHNN xử lý 1 ngày 17 tỷ USD. Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
“Để khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan đơn vị liên quan cần truyền thông để người sử dụng hiểu rõ tiện ích, an ninh, an toàn và chi phí thấp. Chính những điều đó là yếu tố quan trọng hình thành và thay đổi thói quen cộng đồng”, ông Dũng nói.
Liên quan đến các hoạt động truyền thông, phía NHNN cho biết thêm, thời gian tới, hoạt động truyền thông sẽ tiếp tục hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, đồng thời tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan, với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính.
Sau khi lắng nghe các bài tham luận và ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và các doanh nghiệp tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã có bài phát biểu kết luận. Phó Thống đốc một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam và tin tưởng với sự nỗ lực, quyết tâm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp,... trong thời gian tới các số liệu thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đạt được những tăng trưởng ấn tượng hơn. Góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.