Buổi tọa đàm nhằm thảo luận và đưa ra các giải pháp tăng cường bảo mật cho giao dịch không tiền mặt trong bối cảnh thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, kéo theo nhiều nguy cơ đe dọa tới an toàn thông tin cá nhân và tài khoản của người tiêu dùng.
Đứng trên góc độ người dùng, tại tọa đàm, nhà báo Phạm Hồng Phước nêu quan điểm: “Việt Nam vừa có người dùng trẻ, internet giá rẻ, đông người sử dụng smartphone. Nhưng đó cũng là điểm yếu về bảo mật, càng nhiều người dùng thì càng nguy cơ cao. Hiện nay tội phạm không tập trung vào các cơ sở hạ tầng tài chính mà chủ yếu nhắm vào người dùng và đó là lỗ hổng lớn nhất. Sự an toàn là yếu tố mà người dùng quan tâm nhất trong các giao dịch thanh toán điện tử hiện nay”.
Là ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ Tịch MoMo cho biết hiện nay, phần lớn đối tượng lừa đảo đang đánh vào tâm lý “thích nhận thưởng”, “được hưởng lợi” và sự nhẹ dạ cả tin của người dùng.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ Tịch MoMo đã chia sẻ góc nhìn của đơn vị trung gian thanh toán. Ảnh: Thanh Niên.
Các thủ đoạn lừa đảo người dùng có tài khoản ngân hàng, ví điện tử, chủ yếu nhắm vào việc: Lấy mã OTP/mật khẩu của người dùng bằng việc mạo danh nhân viên công ty, ngân hàng, nhà mạng… thậm chí là mạo danh là công an, tòa án,.. để yêu cầu cung cấp thông tin rồi chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, hiện nay điện thoại di động được sử dụng phổ biến, nhiều đối tượng đã lợi dụng và chiếm quyền sử dụng SIM điện thoại thông qua chiêu trò dụ dỗ nâng cấp sim 4G/5G, yêu cầu người dùng thực hiện cú pháp tin nhắn chuyển cuộc gọi từ đó chiếm dụng tài sản của người dùng.
Trước thực trạng đó, đại diện MoMo khẳng định “Chúng tôi luôn đặt an toàn - bảo mật của người dùng làm ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh cảnh báo trên ứng dụng, các kênh truyền thông như website, fanpage của MoMo cũng như trên báo, đài, chúng tôi liên tục cập nhật, ứng dụng các công nghệ trong phòng chống gian lận, không ngừng đổi mới, đưa ra sáng kiến nội bộ nhằm tăng cường và bảo vệ người dùng một cách tối đa. Đặc biệt, MoMo đang đầu tư mạnh vào AI, ứng dụng Deep Learning và triển khai hệ thống phòng chống gian lận (fraud protection) để phát hiện hành vi gian lận và đã mang lại kết quả cụ thể”.
Đại diện ngân hàng, các ví điện tử, công ty bảo mật cùng trao đổi các giải pháp. Ảnh: Thanh Niên
Ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc điều hành công ty Bảo mật Nam Trường Sơn (Kaspersky Việt Nam) cũng chỉ ra một trong những “lỗ hổng” lớn khác là hiện tại người dùng có thói quen cài nhiều app mà không kiểm soát kỹ vô hình chung tạo hành lang cho hacker có đường tấn công vào thiết bị.
“Nếu những vụ lừa đảo trên thế giới xuất phát từ những vụ việc do các nhóm hacker sừng sỏ thực hiện thì ở Việt Nam đa số vụ lừa đảo đều dựa kịch bản và kỹ thuật đơn giản nhưng vẫn làm nhiều người bị mất tiền”, ông Vũ nói và cho biết thêm, “Kinh nghiệm của các nước cho thấy người dùng cuối là mắt xích quan trọng và khó nâng cấp nhất trong các thành phần của hệ thống bảo mật. Một khi người dùng cuối không có ý thức về bảo mật thì dù ngân hàng có bảo mật bao nhiêu vẫn không thể bảo vệ khi có sơ suất trong giao dịch. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng bản quyền tại Việt Nam cũng còn rất thấp. Một khi người dùng sử dụng bản quyền bẻ khóa thì các phương pháp bảo mật đều không có nhiều tác dụng”.
Các diễn giả tại tọa đàm ngày 30/3. Ảnh: Thanh Niên
Các chuyên gia cũng thừa nhận câu chuyện bảo mật là vấn đề trường kỳ không thể giải quyết dứt điểm, nhưng bằng nhiều cách có thể giảm thiểu, hạn chế rủi ro, tổn thất có thể xảy ra cho người dùng.
“Bên cạnh các giải pháp mà ngân hàng, ví điện tử nỗ lực thực hiện để bảo vệ người dùng, tôi cho rằng điều quan trọng không kém chính là bản thân người dùng cần tỉnh táo và luôn nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao để bảo vệ tài sản của chính mình”, đại diện MoMo nói thêm.