Fintech hợp tác ngân hàng và các tổ chức tài chính, đưa dịch vụ tài chính đến tầm tay nhiều khách hàng thu nhập thấp

Fintech hợp tác ngân hàng và các tổ chức tài chính, đưa dịch vụ tài chính đến tầm tay nhiều khách hàng thu nhập thấp

Thông cáo
26/05/2023·1.1K

Những mô hình hợp tác giữa MoMo và các ngân hàng, tổ chức tài chính đã và đang cho thấy những kết quả đáng khích lệ về số lượng khách hàng, giá trị giao dịch và hiệu quả vận hành. Đặc biệt, hợp tác này còn góp phần đưa các dịch vụ tài chính chạm đến nhiều khách hàng thu nhập thấp - những đối tượng yếu thế chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ.

Đó là những nét chính trong phần trình bày với chủ đề “Vai trò của Fintech trong quá trình chuyển đổi số của ngành Tài chính - Ngân hàng” do ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo, kiêm Uỷ viên Ban Thường vụ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) tại phiên hội thảo “Xây dựng nền tảng tài chính số - ngân hàng số, hạ tầng dữ liệu và liên thông các ngành kinh tế” ngày 25/5/2023 trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023  (Vietnam – Asia DX Summit 2023) diễn ra tại Hà Nội.

Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các cơ quan bộ ngành, doanh nghiệp. Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với các cơ quan bộ ngành, cùng các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước. 

Ông Nguyễn Bá Diệp đánh giá mô hình hợp tác với fintech giúp nhiều ngân hàng giải bài toán chuyển đổi số, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Ảnh: MoMo.

Trình bày tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết: “Nhiều ngân hàng dù đã hướng đến số hóa nhưng cách tiếp cận khách hàng thì vẫn theo hướng cũ. Trong khi đó, các fintech như MoMo có những mô hình tiếp cận khách hàng hằng ngày và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. MoMo có thể giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính tiếp cận khách hàng một cách đơn giản, hiệu quả với chi phí thấp nhất. Sự bắt tay của ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán như MoMo sẽ tạo ra mô hình hợp tác hữu hiệu nhất.”

Ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ về ba dịch vụ nổi bật hiện nay mà MoMo và các ngân hàng, tổ chức tài chính đang hợp tác triển khai với những kết quả đáng khích lệ. Đầu tiên, MoMo triển khai công nghệ eKYC cùng ngân hàng để giúp khách hàng định danh trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi mở tài khoản ngân hàng. Từ khi triển khai đến nay, đã có hơn 230.000 tài khoản ngân hàng được mở thành công cho khách hàng thông qua MoMo. So với cách làm truyền thống, khách hàng chỉ mất 2 phút để hoàn thành quá trình mở tài khoản ngân hàng và chỉ mất 35 giây để duyệt hồ sơ với tỷ lệ duyệt thành công lên đến 90% qua MoMo.

Với dịch vụ Tiết Kiệm Online trên MoMo, khách hàng có thể dễ dàng mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Bản Việt với số tiền chỉ từ 500.000đ. Ảnh: MoMo.

Thứ hai, MoMo đóng vai trò là nền tảng đầu tư dễ tiếp cận, giúp kết nối khách hàng với nhiều sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng, tổ chức tài chính. Với các dịch vụ như Tiết Kiệm Online, Tiệm Vàng Online, Chứng Chỉ Quỹ, MoMo giúp khách hàng gửi tiết kiệm, mua bán vàng, mua chứng chỉ quỹ mọi lúc mọi nơi, trực tuyến và theo thời gian thực. Theo ông Nguyễn Bá Diệp, các đối tác ngân hàng và tổ chức tài chính đánh giá hiệu quả của mô hình hợp tác này là cao gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống, với số lượng khách hàng và giá trị giao dịch đáng kể. Cụ thể, đã có hơn 100.000 tài khoản tiết kiệm được mở trực tuyến tại Ngân hàng Bản Việt trên MoMo, 20.000 khách hàng mua vàng của Sacombank-SBJ trên MoMo, hơn 60.000 nhà đầu tư mở tài khoản thành công và giao dịch Chứng Chỉ Quỹ trực tiếp với các Công ty Quỹ qua MoMo.

Thứ ba, MoMo là nền tảng thu hộ khoản vay, thẻ tín dụng của 20 ngân hàng và công ty tài chính lớn, hỗ trợ 5-7 triệu khách hàng có nhu cầu thanh toán khoản vay, thẻ tín dụng. Sự đơn giản, tiện lợi trong dịch vụ vừa giúp tăng trải nghiệm khách hàng, vừa giúp các ngân hàng, công ty tài chính tiết kiệm chi phí vận hành.

Kết thúc bài phát biểu, ông Nguyễn Bá Diệp nhấn mạnh ý nghĩa của hợp tác giữa fintech và ngân hàng trong việc đưa dịch vụ tài chính đến các đối tượng khách hàng thu nhập trung bình thấp và rất thấp. Theo ông Diệp, đây là những đối tượng yếu thế và chiếm đa số, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng. “Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác giữa fintech và ngân hàng. Đây chính là mô hình sẽ mang lại lợi ích cho những người thu nhập thấp, tạo ra đóng góp và tác động đáng kể cho sự phát triển của xã hội”, ông Diệp bày tỏ.

Nếu như trước đây đầu tư được biết đến là cuộc chơi của các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng thu nhập khá và cao, thì giờ đây mô hình hợp tác nói trên đã mở ra cơ hội đầu tư cho nhiều khách hàng thu nhập thấp. Ngay trên MoMo, khách hàng có thể mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến chỉ từ 500.000 đồng, mua vàng từ 0,1 chỉ vàng và mua chứng chỉ quỹ chỉ từ 10.000 đồng.

Những nỗ lực của MoMo trong hành trình hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính đã và đang đóng góp vào nền kinh tế số - một trong ba trụ cột chính (cùng với chính phủ số, xã hội số) của quá trình chuyển đổi số mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề cập đến trong bài phát biểu ngày khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023. Hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng là tiền đề để MoMo tiếp tục sứ mệnh dùng công nghệ giúp mọi người dân tiếp cận dịch vụ tài chính một cách đơn giản, dễ dàng với chi phí thấp.

Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á là sự kiện thường niên được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Diễn đàn có sự tham gia của hàng nghìn đại biểu mỗi năm, bao gồm các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và các phiên Hội thảo chuyên đề cho Việt Nam và Châu Á về chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Tài chính, Ngân hàng; Y tế; Giáo dục; Thương mại; Nông nghiệp; Giao thông vận tải và Logistics; Tài nguyên – Môi trường, Bất động sản; Sản xuất Công nghiệp.

Bên cạnh các phiên hội nghị và thảo luận, Diễn đàn còn có các hoạt động song hành như triển lãm về các sản phẩm và giải pháp, kết nối hợp tác, hỗ trợ giao thương.

Được thành lập vào ngày 27/04/2002, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, đại diện cho ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam với mục đích tăng cường hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các hội viên.

Hiện nay, VINASA đã có trên 400 doanh nghiệp hội viên, phần lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác. Các thành viên của VINASA chiếm 65% số lập trình viên cả nước và tạo ra 70% giá trị sản phẩm phần mềm tại Việt Nam.

* Apple/ Google không tài trợ cho bất cứ hoạt động kinh doanh & thương mại nào của MoMo.
Đánh giá :
5
/0

Ưu đãi nổi bậtƯu đãi nổi bật