Đúng là bạn cần chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được để tích lũy tiền tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm tiền thôi chắc chắn chưa đủ, bạn còn cần phải sử dụng đồng tiền của mình sinh lời. Tiết kiệm tiền không bảo vệ bạn khỏi các điều kiện thị trường như lạm phát và suy thoái kinh tế. Về bản chất, tiết kiệm tiền tạo ra cơ hội, nhưng đầu tư là cách tận dụng cơ hội để tạo ra nhiều của cải hơn. Trong bài viết này bạn cùng MoMo tìm hiểu những quan điểm, cách tiết kiệm đúng đắn và cách sinh lời hiệu quả để giàu hơn trong tương lai nhé. 

1. Tiết kiệm tiền là gì?

Trước tiên, hãy cùng định nghĩa rõ ràng tiết kiệm tiền là gì. Đơn giản, tiết kiệm là quá trình bạn giữ lại một phần thu nhập hàng tháng thay vì tiêu dùng hết. Bạn có thể gửi số tiền đó vào tài khoản ngân hàng hoặc đầu tư vào những kênh có lãi suất ổn định như gửi tiết kiệm kỳ hạn. Việc tiết kiệm không chỉ giúp bạn có nguồn tài chính dự phòng mà còn xây dựng thói quen quản lý tiền bạc chặt chẽ.

Bạn cũng có thể vận dụng quy tắc 50/30/20 hoặc 6 chiếc lọ trong việc tiết kiệm tiền mỗi tháng đấy. 

2. Tiết kiệm tiền để làm gì?

Nhiều bạn sẽ hỏi: Tại sao phải tiết kiệm tiền? Tiết kiệm giúp chúng ta chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ trong cuộc sống như bệnh tật, không có việc làm, hoặc sửa chữa nhà cửa, xe cộ. Ngoài ra, bạn có thể tiết kiệm tiền để đạt được những mục tiêu dài hạn như mua nhà, mua xe, hay thậm chí là đầu tư vào giáo dục như đi du học hoặc học một nghề mới. MoMo thấy rằng lợi ích của việc tiết kiệm tiền chính là yếu tố để đảm bảo nguồn tài chính và khả năng kiểm soát tốt hơn cuộc sống của mình.

Ghi chú lại những khoản tiết kiệm cần thiết cho những mục đích cụ thể trong tương lai. Ví dụ: Tiết kiệm để đi du học, mua nhà, mua xe… 

3. Lợi ích của việc tiết kiệm tiền mỗi ngày

Tiết kiệm tiền mỗi ngày mang lại rất nhiều lợi ích mà có lẽ bạn chưa để ý. Mỗi ngày bạn chỉ cần tiết kiệm một số tiền nhỏ, qua mỗi tháng, tiền sẽ tích lũy nhiều hơn. Đó là sức mạnh của việc tích lũy từ từ. Khi bạn có thói quen tiết kiệm, bạn sẽ dần trở nên kỷ luật hơn trong việc quản lý chi tiêu, giúp giảm thiểu các quyết định vung tay quá trán.

*Ví dụ: Thay vì mỗi ngày uống cà phê ngoài tiệm với giá 40.000 đồng, bạn có thể tự pha tại nhà. Với cách này, bạn có thể tiết kiệm gần 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Sau 1 năm, bạn đã có một khoản hơn 14 triệu đồng, đủ để làm nhiều thứ lớn hơn.

4. Tiết kiệm có đủ để làm giàu không?

Bây giờ hãy đến với câu hỏi chính: tiết kiệm tiền có phải là cách làm giàu hiệu quả không? MoMo sẽ trả lời thẳng thắn rằng, tiết kiệm là bước đầu để đảm bảo sự an toàn tài chính, nhưng chỉ tiết kiệm thôi thì không đủ để làm giàu.

Tại sao lại vậy? Một trong những lý do lớn nhất là lạm phát. Khi lạm phát tăng, giá trị thực của đồng tiền giảm, và nếu lãi suất tiết kiệm của bạn không đủ bù đắp cho mức lạm phát đó, thì số tiền bạn tiết kiệm sẽ mất giá dần theo thời gian.

*Ví dụ: Giá trị của tiền giảm dần theo thời gian, điều này có nghĩa là 1 đồng ngày hôm nay sẽ không mua được cho bạn cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ như trong một thập kỷ. Giả sử tỷ lệ lạm phát trung bình là 2,5% và bạn có tổng số tiền tiết kiệm là 1000 đồng. Điều này có nghĩa là 1000 đồng bạn tiết kiệm được ngày hôm nay sẽ giảm xuống còn khoảng 690 đồng sau 15 năm. Trong khi một hàng hóa hoặc dịch vụ có giá 1000 đồng sẽ có giá khoảng 1448 đồng sau 15 năm. Bạn có thấy sự khác biệt không? Đó là lý do bạn nên tăng cường các khoản đầu tư cá nhân của bản thân. 

5. Cách làm giàu hiệu quả: Kết hợp tiết kiệm và đầu tư

MoMo muốn chia sẻ rằng, cách làm giàu bền vững và hiệu quả không phải chỉ nằm ở việc tiết kiệm. Bạn cần biết kết hợp giữa tiết kiệm và đầu tư. Tiết kiệm tiền mỗi ngày là bước đầu, nhưng để làm giàu, bạn phải để tiền lưu thông, bằng cách đầu tư vào các kênh sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản, hoặc thậm chí là khởi nghiệp kinh doanh.

Một trong những yếu tố quan trọng của cách làm giàu hiệu quả là sự phân bổ tài sản thông minh. Điều này nghĩa là bạn không nên "bỏ tất cả trứng vào một giỏ". Bạn có thể giữ một phần tiền trong quỹ tiết kiệm, một phần đầu tư vào cổ phiếu, một phần vào bất động sản hoặc các kênh đầu tư khác. Khi đầu tư dài hạn, bạn sẽ có cơ hội để tài sản tăng trưởng theo thời gian, thậm chí còn được hưởng lãi suất kép, nghĩa là lãi sinh lãi, tạo ra nguồn thu nhập thụ động lớn.

6. 6 nguyên tắc giúp bạn ổn định và phát triển tiền bạc hơn trong tương lai

6 nguyên tắc dưới đây sẽ giúp bạn có thêm những phương cách hữu hiệu trong việc tiết kiệm tiền và đầu tư đấy.

6.1 Luôn chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được

Một nguyên tắc cơ bản trong quản lý tài chính là chi tiêu luôn phải thấp hơn số tiền bạn kiếm được. Nếu bạn liên tục tiêu hết hoặc nhiều hơn số tiền kiếm được, bạn dễ rơi vào nợ nần và không có nguồn tài chính dự phòng.

Ví dụ: Anh Nam kiếm được 20 triệu đồng mỗi tháng. Để đảm bảo chi tiêu hợp lý, anh chỉ dành khoảng 15 triệu cho các chi phí sinh hoạt và nhu cầu cá nhân, còn 5 triệu anh gửi vào quỹ tiết kiệm. Với cách này, anh Nam luôn có dư để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp hoặc đầu tư vào các mục tiêu lớn.

6.2 Luôn có một khoản tiết kiệm khẩn cấp

Mỗi người nên có một khoản tiền tiết kiệm dùng cho các tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như sửa chữa xe, viện phí, hoặc không may chưa tìm được công việc mới khi nghỉ ở công ty cũ. Khoản này nên đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt từ 3 đến 6 tháng, giúp bạn đối phó với các tình huống bất ngờ mà không phải vay nợ. 

Ví dụ: Chị Hương có thu nhập 12 triệu đồng mỗi tháng và chị đã tiết kiệm được một khoản 2 triệu mỗi tháng, trong 3 tháng chị có 6 triệu đồng. Khi xe của chị gặp sự cố và cần sửa chữa gấp, chị có thể dùng tiền từ quỹ khẩn cấp mà không phải mượn nợ hay cắt giảm các chi tiêu khác.

6.3 Đầu tư sớm để hưởng lợi từ lãi suất kép

Lãi suất kép là cách tài sản tăng trưởng nhanh chóng khi bạn tái đầu tư số lãi vào khoản đầu tư ban đầu. Nguyên tắc này khuyến khích bạn bắt đầu đầu tư càng sớm càng tốt, bởi thời gian là yếu tố quyết định trong việc gia tăng tài sản từ lãi suất kép. 

Ví dụ: Anh Hải bắt đầu đầu tư 2 triệu đồng mỗi tháng vào một quỹ cổ phiếu từ năm 25 tuổi. Sau 10 năm, nhờ lãi suất kép, khoản đầu tư của anh đã tăng lên đáng kể. So với bạn của anh là Minh, người bắt đầu đầu tư ở tuổi 35, số tiền của Hải đã cao hơn rất nhiều, dù cả hai cùng đầu tư số tiền tương đương hàng tháng. 

6.4 Giảm thiểu nợ xấu và tránh nợ tiêu dùng không cần thiết

Nợ tiêu dùng như vay mua sắm, nợ thẻ tín dụng thường có lãi suất cao, khiến bạn trả nhiều hơn số tiền vay. Nguyên tắc này nhấn mạnh việc giảm thiểu nợ xấu (nợ không tạo ra lợi nhuận) và chỉ nên vay tiền khi thực sự cần thiết, đồng thời phải có kế hoạch trả nợ rõ ràng.

Ví dụ: Thay vì đổi một chiếc điện thoại khác do quá thích mẫu mới, bằng cách vay trả góp với lãi suất cao, chị An quyết định tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại cũ trong 6 tháng và tiết kiệm tiền để mua chiếc mới mà không phải vay nợ. Điều này giúp chị tránh được việc trả thêm lãi suất và bảo toàn tài chính. 

6.5 Lập kế hoạch chi tiêu và ngân sách rõ ràng

Quản lý tài chính cá nhân đòi hỏi bạn phải có một kế hoạch chi tiêu cụ thể. Việc lập ngân sách giúp bạn biết chính xác số tiền mình có thể chi cho từng hạng mục như ăn uống, giải trí, tiết kiệm, đầu tư... Khi bạn có kế hoạch, bạn sẽ tránh được các quyết định chi tiêu thiếu suy nghĩ và dễ dàng điều chỉnh khi cần.

Ví dụ: Anh Quang lập một bảng ngân sách hàng tháng theo quy tắc 50/30/20, trong đó 50% thu nhập của anh dùng cho chi phí sinh hoạt, 20% cho tiết kiệm và đầu tư, 30% còn lại dành cho giải trí và các sở thích cá nhân. Nhờ kế hoạch này, anh luôn kiểm soát được chi tiêu mà không gặp căng thẳng về tài chính. 

6.6 Đa dạng hóa các kênh đầu tư

Không nên đặt tất cả tiền của bạn vào một kênh đầu tư duy nhất, bởi vì nếu kênh đó gặp rủi ro, bạn có thể mất hết. Đa dạng hóa các khoản đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội sinh lời. Bạn có thể phân bổ tiền vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hoặc quỹ đầu tư.

Ví dụ: Chị Thanh đầu tư vào nhiều kênh khác nhau. Một phần tiền của chị được dùng để mua cổ phiếu, một phần chị gửi tiết kiệm, và một phần khác chị đầu tư vào bất động sản. Khi thị trường chứng khoán giảm điểm, chị Thanh không bị thiệt hại quá lớn vì vẫn còn các khoản đầu tư khác để cân bằng.

Tìm một kênh đầu tư đáng tin cậy, hiệu quả để mang đến lợi nhuận ổn định hoặc cao trong tương lai.

7. Những kênh đầu tư hữu hiệu đáng tin cậy

Tiết kiệm và đầu tư nên đi song song để giúp cho tình hình kinh tế của bạn khởi sắc trong tương lai. Dưới đây là những kênh đầu tư đáng tin cậy bạn có thể tham khảo nhé. 

7.1 Gửi tiết kiệm ngân hàng - Hình thức đầu tư an toàn nhất

Đây là hình thức đầu tư tài chính truyền thống và an toàn nhất, có mức độ rủi ro thấp. Bạn gửi tiền vào ngân hàng và nhận được lãi suất theo kỳ hạn đã chọn (thường là 3 tháng, 6 tháng, hoặc 1 năm). Lợi ích của việc gửi tiết kiệm là rủi ro rất thấp, phù hợp cho những ai muốn bảo toàn vốn và kiếm thêm lợi nhuận ổn định từ lãi suất.

Ví dụ: Nếu bạn gửi tiết kiệm 100 triệu đồng với lãi suất 6%/năm, sau 1 năm, bạn sẽ nhận được 106 triệu đồng.

7.2 Trái phiếu – Đầu tư vào sự ổn định của doanh nghiệp hoặc chính phủ

Trái phiếu là hình thức bạn cho doanh nghiệp hoặc Chính phủ vay tiền và nhận lại lãi suất cố định. Trái phiếu thường ít rủi ro hơn cổ phiếu vì bạn sẽ nhận được lãi suất định kỳ, dù doanh nghiệp có lãi hay không. Trái phiếu chính phủ là loại trái phiếu an toàn nhất vì có sự bảo trợ của nhà nước.

Ví dụ: Bạn mua trái phiếu của một doanh nghiệp lớn với lãi suất 7%/năm, nếu bạn đầu tư 200 triệu đồng, sau một năm bạn sẽ nhận được 214 triệu đồng (cả gốc lẫn lãi). 

7.3 Quỹ mở – Kênh đầu tư cho người không chuyên

Quỹ mở là hình thức bạn góp vốn cùng các nhà đầu tư khác vào một quỹ do các chuyên gia tài chính quản lý. Số tiền trong quỹ sẽ được đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản... Quỹ mở giúp đa dạng hóa rủi ro và bạn không cần phải tự mình quản lý tài sản.

Ví dụ: Bạn đầu tư 50 triệu đồng vào một quỹ mở. Quỹ này sẽ dùng số tiền đó để mua nhiều loại tài sản khác nhau. Lợi nhuận của bạn sẽ phụ thuộc vào kết quả của quỹ. 

7.4 Cổ phiếu – Cơ hội sinh lời cao nhưng rủi ro lớn

Đầu tư cổ phiếu nghĩa là bạn sở hữu một phần nhỏ của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát triển và có lãi, giá trị cổ phiếu sẽ tăng lên, và bạn có thể bán cổ phiếu để kiếm lời. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, cổ phiếu có thể giảm giá và bạn có nguy cơ mất vốn.

Ví dụ: Bạn mua 100 cổ phiếu của một công ty với giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu tăng lên 60.000 đồng/cổ phiếu, bạn có thể bán và thu lợi nhuận 1 triệu đồng.

7.5 Bất động sản – Tài sản đầu tư dài hạn

Đầu tư bất động sản là một trong những kênh đầu tư dài hạn phổ biến, vì giá trị của đất đai, nhà ở thường tăng theo thời gian. Bất động sản không chỉ giúp bảo toàn tài sản mà còn mang lại lợi nhuận lớn khi thị trường tăng trưởng.

Ví dụ: Bạn mua một căn hộ giá 2 tỷ đồng. Sau 5 năm, giá trị căn hộ tăng lên 3 tỷ đồng. Nếu bán căn hộ, bạn thu về lợi nhuận 1 tỷ đồng.

7.6 Vàng – Bảo toàn giá trị tài sản trong thời kỳ bất ổn

Vàng luôn được xem là kênh đầu tư bảo toàn tài sản khi nền kinh tế bất ổn. Giá vàng thường tăng khi thị trường chứng khoán hoặc tiền tệ biến động mạnh. Đầu tư vàng phù hợp với những ai muốn giữ giá trị tài sản trong dài hạn.

Ví dụ: Bạn mua 10 lượng vàng khi giá là 50 triệu đồng/lượng. Sau 2 năm, giá vàng tăng lên 60 triệu đồng/lượng, bạn bán ra và thu lợi nhuận 100 triệu đồng. 

Kết luận

Tiết kiệm tiền là nền tảng để bạn xây dựng sự an toàn tài chính, nhưng để làm giàu, bạn cần nhiều hơn thế. Hãy nghĩ đến cách làm giàu hiệu quả là kết hợp giữa tiết kiệm thông minh và đầu tư khôn ngoan nhé.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.