Review Squid Game 2: Luật chơi mới theo quy tắc xã hội
“Trò chơi con mực” mùa 2 đã chính thức ra mắt vào ngày 26 tháng 12 năm 2024 trên Netflix, tiếp nối thành công vang dội của mùa đầu tiên.
Squid Game 2 tiếp nối thành công vượt bậc của mùa 1, nhưng lại đứng trước thử thách rất lớn: làm sao vượt qua cái bóng khổng lồ của mùa trước? Nếu như phần đầu là hiện tượng, gây sốc và hấp dẫn nhờ yếu tố bất ngờ, thì phần 2 phải đối diện với khán giả đã hiểu rõ cách vận hành của trò chơi và các thông điệp ẩn sâu trong đó.
1. Ý nghĩa xã hội và tư tưởng trong Squid Game
Squid Game không chỉ là một series sinh tồn đơn thuần mà còn là tiếng nói châm biếm đầy sâu cay về xã hội tư bản. Thành công của mùa 1 đến từ việc khai thác nỗi bất công và tuyệt vọng của tầng lớp lao động. Những câu hỏi như: “Tại sao tôi làm việc quần quật nhưng vẫn nghèo?”, hay “Tại sao người giàu dù không nỗ lực vẫn đứng trên người khác?” trở thành trọng tâm khiến khán giả đồng cảm. Những trò chơi đầy chết chóc không chỉ là sự mô phỏng vật lý mà còn là hình ảnh ẩn dụ về hệ thống tư bản nơi con người vì tiền bạc mà giẫm đạp lên nhau.
Trong phần 2, Squid Game mở rộng góc nhìn khi đưa nhân vật Gi Hun trở lại “địa ngục” không phải để giành giật sự sống cho mình, mà để phá vỡ hệ thống đã tạo ra trò chơi. Đây chính là hành động đi ngược lại tư duy tư bản, nơi con người vị kỷ. Tinh thần bao dung và lòng tốt của Gi Hun mang một thông điệp mạnh mẽ về nhân tính trong thời đại mà lòng tham và ích kỷ dường như chiếm ưu thế.
2. Sự phát triển nhân vật Gi Hun
Ở mùa 1, Gi Hun xuất hiện như một con người tầm thường, một “kẻ thất bại” trong mắt xã hội. Nhưng anh mang trong mình sự hồn nhiên và lòng vị tha hiếm có. Những hành động tưởng chừng như “may mắn” của anh thực chất bắt nguồn từ phúc đức và lòng tốt. Anh không để ai bị bỏ lại phía sau, từ người già, trẻ em, đến một chú mèo đói.
Sang mùa 2, Gi Hun trở thành biểu tượng của sự bao dung. Anh không quay lại vì bản thân mà vì muốn cứu những người khác. Quyết định này mang đến cảm giác “bao đồng” giống như cách Nhện Tom (Spider-Man) đã hy sinh vì những kẻ từng là ác nhân. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi sự ích kỷ ngày càng tràn lan, Gi Hun đại diện cho ánh sáng hiếm hoi của lòng tốt, và anh không hề đơn độc. Hành động của anh dần lan tỏa, tạo ra sự đoàn kết giữa những người chơi.
3. Tương phản màu sắc và thông điệp châm biếm
Mùa 2 tiếp tục sử dụng cách tương phản màu sắc để nhấn mạnh thông điệp. Những trò chơi đẫm máu đặt trong bối cảnh màu hồng và xanh pastel tạo nên sự mỉa mai đối với xã hội tư bản: vẻ ngoài hào nhoáng, nhưng bên trong lại là sự thối nát. Hình ảnh này còn phản ánh thực trạng xã hội hiện đại – giống như một viên kẹo đẹp mắt nhưng có vị đắng chát.
Trò chơi “vé số hay bánh mì” xuất hiện trong phim là một châm biếm sâu cay. Nó không chỉ nói về sự tuyệt vọng của tầng lớp lao động, mà còn phê phán hệ thống chính trị và tôn giáo. Chính trị gia hứa hẹn thiên đường chính trị, nhà thờ vẽ ra thiên đường sau khi chết, trong khi người nghèo chỉ muốn thoát khỏi thực tại khắc nghiệt của họ.
4. Lý giải X và O
Khía cạnh xã hội:
- Độ tuổi nhân khẩu học trong trò chơi hiện tại dường như bao gồm nhiều nhân vật trẻ hơn. Họ không hẳn đến từ những hoàn cảnh dẫn đến sự xuống dốc dần dần vào cuộc sống thiếu thốn như Gi-hun trong mùa 1. Thay vào đó, họ xuất hiện ở đây vì những quyết định sai lầm cụ thể nhằm cố gắng đạt được lợi ích lớn hơn một cách ổn định. Những lựa chọn này được đại diện bởi đồng xu MG và những “lời đề nghị” liên quan.
Tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận thú vị về áp lực ngày càng lớn đối với những người trẻ ở các quốc gia được gọi là “phát triển” để đạt được một lối sống “tầng lớp trung lưu” càng sớm càng tốt. Không chỉ bản thân việc này đã khó, mà trong một thế giới bị thống trị bởi lạm phát và thị trường việc làm bão hòa, điều này ngày càng khó đạt được. Áp lực vẫn tồn tại, đặc biệt từ các thế hệ trước, có lẽ được đại diện bởi người chơi số 100.
- Ở thái cực ngược lại, tôi nghĩ người chơi số 100 (dù rất đáng ghét) đại diện cho một nguyên mẫu chưa được thể hiện rõ trong mùa 1. Nhiều người đã đưa ra các cách giải thích thú vị, từ hiện thân của lòng tham cho đến hình ảnh của chủ nghĩa tư bản. Nhưng tôi có thêm một góc nhìn khác: hãy thử xem người chơi số 100 như đại diện cho sự suy thoái của tầng lớp trung lưu. Hãy nhìn vào vẻ ngoài bóng bẩy của ông ta – điều làm ông ta nổi bật giữa đám đông – và việc ông thuộc thế hệ “boomer”.
Dù khái niệm “boomer” thường bị đơn giản hóa, nhưng thế hệ này – ít nhất ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản – đã trải qua một thời kỳ giàu có, thịnh vượng và ổn định chính trị chưa từng có. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây (khủng hoảng tài chính 2008, Covid-19, xung đột toàn cầu, lạm phát) đã thử thách tình trạng “ổn định” của họ.
Khía cạnh chính trị:
- Thoạt đầu, tôi không thích sự phân chia đội “X” và “O”. Nó hơi giống một chương trình game show, mà trong khi chúng ta biết Squid Game là một chương trình, chúng ta lại muốn nó càng thực tế càng tốt. Nhưng sau đó, tôi nhận ra cách phân chia này hoạt động hoàn hảo như một bình luận chính trị.
- Tôi thấy đội “X” đại diện cho các đảng phái cánh tả, đưa ra những lựa chọn và đề xuất không hấp dẫn ngay lập tức nhưng về lâu dài đảm bảo sự sống còn của cả cộng đồng. Ngược lại, tôi thấy đội “O” như một phép ẩn dụ cho các đảng phái cánh hữu, với cách nhìn nhận Darwin về nhân loại (mạnh được yếu thua).
- Tôi cũng nhận thấy những nỗ lực liên tục của đội “O” trong việc ảnh hưởng đến ý kiến của người khác như sự can thiệp của các cường quốc lớn vào quá trình dân chủ của các quốc gia nằm dưới ảnh hưởng của họ, hoặc mà họ muốn thâu tóm.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những hành động của MG Coin và toàn bộ quá trình “bỏ phiếu” khiến tôi nhận ra rằng khái niệm “ảnh hưởng” không dựa trên bằng chứng và năng lực thấm sâu vào mùa này như một sợi dây liên kết xuyên suốt. Điều này phù hợp với thời đại mạng xã hội và sự lên ngôi của thông tin chưa được kiểm chứng.
5. Điểm mạnh và điểm yếu của phần 2
Điểm mạnh:
- Tập trung vào chiều sâu nhân vật: Phần 2 không còn quá chú trọng vào việc gây sốc qua các trò chơi mà đi sâu hơn vào tâm lý và mối quan hệ giữa các nhân vật.
- Thông điệp nhân văn: Gi Hun trở thành biểu tượng của sự nhân hậu và hy sinh, trong khi những nhân vật khác cũng dần thể hiện những khía cạnh phức tạp hơn.
Điểm yếu:
- Mất đi yếu tố bất ngờ: Với việc khán giả đã quen thuộc với cách vận hành của Squid Game, phần 2 không còn tạo được những cú sốc lớn như mùa 1.
- Nhịp phim chậm hơn: Cách dẫn dắt từng bước của biên kịch khiến một số khán giả cảm thấy thiếu sự căng thẳng và đột phá.
Squid Game 2 không còn là một “cú nổ” như mùa 1, nhưng lại mang đến chiều sâu và thông điệp rõ ràng hơn. Đạo diễn Hwang Dong Hyuk không chỉ kể một câu chuyện về sinh tồn, mà còn nhấn mạnh rằng: ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, con người vẫn có thể chọn lòng tốt và sự tha thứ thay vì sự ích kỷ. Điều này làm cho Squid Game 2 trở thành một tác phẩm đáng suy ngẫm, dù không hẳn vượt qua cái bóng của mùa đầu tiên.