Hướng tới NGÀY KHÔNG TIỀN MẶT 16/6

Sự Kiện
13/06/2019·2.1K

(ĐTTCO) - Hiện nay người Việt mua hàng trực tuyến ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong thương mại điện tử (TMĐT) hiện nằm dưới mức 15%, chỉ một số công ty bán hàng uy tín, có thương hiệu đạt hơn 25%.

Hướng tới NGÀY KHÔNG TIỀN MẶT 16/6

Ông NGUYỄN NGỌC DŨNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT:
Thay đổi quan điểm, nâng chất nghiệp vụ

Hiện nay người Việt mua hàng trực tuyến ngày càng nhiều, nhưng chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt. Tỷ lệ TTKDTM trong thương mại điện tử (TMĐT) hiện nằm dưới mức 15%, chỉ một số công ty bán hàng uy tín, có thương hiệu đạt hơn 25%. TTKDTM chưa phát triển, ngoài thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt và công cụ thanh toán chưa phổ biến, nguyên nhân chủ yếu do chất lượng phục vụ khách hàng của nhiều đơn vị bán hàng online. 

Lấy đơn cử, khách hàng thanh toán online nhận hàng sau, lẽ ra được nhận các ưu tiên như đội ngũ giao hàng lịch sự, hàng hóa gói ghém cẩn thận, được cộng điểm mua hàng…, nhưng lại thường xuyên gặp tình trạng người giao hàng không chờ đợi khi người mua chưa thể nhận ngay, không gọi lại nếu không liên lạc được, sau đó trả hàng cho người bán với lý do không liên hệ được khách hàng.

Vướng mắc nữa là về phí. Khi thanh toán online, bên bán phải trả phí chuyển tiền cho các tổ chức thẻ, tổ chức phát hành thẻ hoặc các trung gian thanh toán. Nhưng họ không nghĩ phí đó phải trả cho bên thu hộ, đó cũng là cách khẳng định thương hiệu, uy tín với khách hàng, mà cứ nghĩ rằng bị mất một phần lãi.

Do đó, họ đẩy sang phương thức thanh toán COD để được công ty chuyển phát giảm phí và không mất khoản thu hộ. Cũng có những đơn vị đang áp dụng thanh toán COD biện giải thanh toán qua NH nhận tiền chuyển về chậm. Nhưng thực tế tiền được chuyển vào NH trong ngày, bút toán vào cuối ngày và vào tài khoản doanh nghiệp hôm sau. 

Như trên Amazon, khách hàng ở Mỹ mua hàng trả tiền ngay nhưng 5-7 ngày sau mới nhận được hàng. Trong 5-7 ngày đó, tiền nằm ở tài khoản Amazon có thể sử dụng xoay vòng vốn kinh doanh. Thậm chí, Amazon còn áp dụng chương trình hạng Amazon Prime để được hưởng quyền lợi tốt về ưu đãi, khuyến mại, giao hàng miễn phí… người mua phải trả phí 119USD/năm.
Ngoài ra, nhiều đơn vị muốn bán hàng thu tiền mặt để không bị lộ doanh số, né kiểm tra của cơ quan thuế. Tâm lý này đang đi ngược lại với các công ty, tập đoàn TMĐT lớn. Như vậy, muốn tăng tỷ lệ TTKDTM trong mua sắm trực tuyến, cần  có sự thay đổi từ bên bán hàng và phải nâng cao chất lượng phục vụ đối với những người thanh toán online.
Về phí, các công ty chỉ trả phí cho tổ chức thẻ và NH phát hành thẻ 2-3%, trong khi bán cho đại lý lại sẵn sàng chiết khấu 20-30%, nên kêu phí cao là không hợp lý. Hiện nay chúng tôi ghi nhận trường hợp bán 1 vé máy bay 5-10 triệu đồng nhưng chỉ lãi 50.000 đồng/vé, sau đó trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ 3%, tức là phí đến 15.000 đồng trong khoản tiền lãi. 

Bên cạnh đó, cần cải thiện vấn đề kết nối giữa các NH, các dịch vụ trung gian thanh toán và người bán. Bởi hiện nay nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán còn xem các cửa hàng nhỏ lẻ là khách hàng không quan trọng nên không cung cấp dịch vụ TTKDTM. 

Dự kiến sắp tới trong hội thảo Ngày không tiền mặt sẽ bàn về vấn đề có nên phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ. Theo đó, những đơn vị nào có biên lợi nhuận thấp, các bên phối hợp hỗ trợ triển khai dịch vụ TTKDTM, mỗi bên giảm một phần phí để kích thích tăng TTKDTM ở nhóm này. Nếu giải quyết được những vấn đề này, tỷ lệ TTKDTM trong TMĐT có thể tăng 200% so với hiện tại. 

TS. BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM:
Phải tạo niềm tin cho người thanh toán

TTKDTM là vấn đề đã được đặt ra sau thời kỳ đổi mới (năm 1986), khi các NHTM đã chuẩn bị phát triển thẻ thanh toán. Nhưng cho đến nay, hình thức thanh toán mới này chưa phát triển được do thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn được ưa chuộng. 

Bên cạnh đó, TTKDTM chưa được tin tưởng, vì thông tin mất tiền trong tài khoản liên tục diễn ra khiến người dân lo ngại. Và khi người dân báo cho NH việc bị mất tiền, NH lại nói để cơ quan điều tra vào cuộc. Cách thức xử lý của NH khi gặp sự cố khiến người dân chưa yên tâm, phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra, thời gian xử lý kéo dài và không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Để đẩy nhanh hoạt động TTKDTM, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, các công ty viễn thông... trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức TTKDTM và hoàn thành trước tháng 12-2019. Đây là chủ trương đúng, nhưng kết quả còn phụ thuộc vào cách thức triển khai và cho đến nay vẫn chưa thấy lộ trình thực hiện. Trên thực tế, việc áp dụng vẫn rất khó khăn. Nhiều trường đại học đã triển khai thẻ thanh toán gắn liền với mã số sinh viên, nhưng việc đóng học phí bằng tiền mặt vẫn phổ biến. Việc triển khai ở bệnh viện càng khó khăn hơn vì người dân ở vùng nông thôn đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện lớn ngày càng nhiều, khó phổ biến phương thức thanh toán mới. 

Song không phải không có cơ hội thay đổi. Nếu những rủi ro về mất tiền hoặc xử lý khi khách hàng mất tiền được NH thực hiện tốt hơn, sẽ lan truyền qua các kênh truyền thông, từ đó người dân sẽ tin tưởng vào các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt. Có nghĩa, muốn thay đổi thói quen phải đi từ những vấn đề cơ bản nhất.

Ông NGUYỄN BÁ DIỆP, Phó Chủ tịch HĐQT MoMo:
Tiện và lợi là yếu tố quan trọng

Trong TTKDTM, sự tiện lợi của dịch vụ VĐT rất quan trọng để người dân quen với việc không sử dụng tiền mặt trong đời sống hàng ngày. Tiện là cần chi tiêu, mua sắm bất cứ gì VĐT đều đáp ứng được, và lợi là nhận được những ưu đãi, giúp cuộc sống an nhàn, giản tiện, tiết kiệm hơn. 

Với ví MoMo, khách hàng có thể mua sắm, thanh toán hầu hết dịch vụ cần thiết cho đời sống. Chúng tôi có lượng lớn khách hàng sống ở thành thị đã dần quen và cảm thấy thanh toán bằng VĐT mang lại lợi ích và sự tiết kiệm cho cả gia đình. Người dân ở nông thôn cũng được phục vụ bằng những cửa hàng giao dịch MoMo, các chuỗi bán lẻ của FPT Shop, Thegioididong, F88… giúp họ chuyển tiền, nạp rút tiền từ MoMo. Những câu chuyện trên cho thấy đang có nhiều động lực từ phía khách hàng thúc đẩy thị trường thanh toán di động phát triển rộng sâu hơn. Với người làm dịch vụ như MoMo, đáng mừng nhất là hành vi của người dùng đang thay đổi, sẵn sàng thử và chấp nhận thanh toán di động. MoMo tiếp tục mở rộng hệ sinh thái thanh toán, tăng chất lượng phục vụ và mang tới những tính năng tiết kiệm hơn, để người dùng có thể trút được gánh nặng bất tiện, phải di chuyển nhiều, tiền lẻ, rách hay giả và thiếu an toàn của việc sử dụng tiền mặt. 

(Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính)

Đánh giá :
5
/0

Ưu đãi nổi bậtƯu đãi nổi bật